(Tin Môi Trường) - Ăn uống lành mạnh không phải là lập ra công thức dinh dưỡng khắt khe hay phải bỏ đi thực phẩm yêu thích. Thay vào đó, nó cho bạn cảm giác tuyệt vời về ẩm thực, có nhiều năng lượng, mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Ăn nhiều rau củ, trái cây tốt cho sức khỏe
Ăn chậm
Việc “nhai 30 lần mỗi miếng, ăn mỗi bữa trong 30 phút” không chỉ giúp bài tiết nước bọt, hỗ trợ tiêu hóa, mà còn giảm gánh nặng cho dạ dày. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng, ăn chậm còn có tác dụng giảm béo, làm đẹp, ngừa ung thư, bổ não…
Thưởng thức chất béo lành mạnh và tránh chất béo không lành mạnh
Chất béo lành mạnh rất cần thiết để nuôi dưỡng não, tim, các tế bào, mái tóc, da và móng tay chân. Trong chất béo tốt có hai loại là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
- Chất béo không bão hòa đơn có nhiều trong dầu canola, dầu lạc, dầu ô liu, bơ và các loại hạt (như hạnh nhân, quả phỉ và quả hồ đào, bí ngô, vừng).
- Chất béo không bão hòa đa, bao gồm Omega 3 và Omega 6, có nhiều trong cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá mòi, cũng như hạt hướng dương, ngô, đậu tương, quả óc chó.
Do đó, cần tăng ăn chất béo không bão hòa (chất béo tốt) và giảm chất béo bão hòa (chất béo xấu có nhiều trong mỡ động vật, thịt đỏ, da động vật, dầu dừa, dầu cọ...
Ăn nhiều món
Ăn tạp tức là món gì cũng phải ăn, không kén ăn và tốt nhất nên ăn đồng thời nhiều món. Đây thể hiện đầy đủ nguyên tắc thực phẩm bổ sung lẫn nhau, bởi vì ngoài sữa mẹ ra, không có loại thực phẩm nào đủ thành phần dinh dưỡng cả về chất và lượng đáp ứng nhu cầu cơ thể, chỉ có “ăn tạp” mới có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng. Do đó, các nhà khoa học Nhật Bản khuyên rằng, mỗi ngày ăn tối thiểu 30 loại thực phẩm, song cũng không cần áp dụng triệt để, nếu có thể, hãy 10 – 15 loại mỗi ngày.
Ăn đồ ăn ấm
Theo Đông y, bụng nóng không dễ tiếp xúc với nhiều món quá lạnh. Ngay cả trong mùa hè, cũng không nên ăn nhiều đồ lạnh, bởi vì đồ lạnh có thể tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, từ đó làm nghiêm trọng các bệnh về dạ dày và gan hoặc gây ra các bệnh mới liên quan đến tiêu hóa. Đặc biệt, người già thể trạng yếu càng không nên ăn đồ lạnh.
Khi ăn nóng quá có thể bị bỏng môi, lợi, niêm mạc miệng, lưỡi, họng, thực quản. Vết bỏng có thể gây lở loét, nhiễm khuẩn rất đau. Nếu thường xuyên ăn thức ăn nóng quá sẽ làm tổn thương tế bào vị giác trên lưỡi ảnh hưởng đến thần kinh vị giác, suy giảm khả năng vị giác dẫn đến chán ăn.
Vì vậy, ăn đồ ăn khi còn ấm là tốt nhất cho sức khỏe của bạn.
Ăn uống điều độ
Nền tảng cho bất kỳ chế độ ăn uống lành mạnh nào là điều độ. Nhưng điều độ là gì? Bao nhiêu là chuẩn? Điều này phụ thuộc vào chế độ ăn uống tổng thể của bạn, sao cho không phải ngày một ngày hai mà cho đến khi bạn có được trọng lượng lý tưởng. Do đó, hãy đăt chế độ ăn điều độ trong điều kiện cân bằng tất cả các carbohydrate, protein, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất...
Cân bằng và điều độ là ăn ít hơn mức hiện tại chúng ta đang ăn. Cụ thể, ăn ít các chất không lành mạnh (như chất béo bão hòa) và ăn nhiều các chất lành mạnh như rau, củ, quả.
Cố gắng không có nghĩa là phải cấm một số thực phẩm, bởi việc này sẽ khiến bạn thèm muốn hơn. Hãy ăn bớt đi và ăn không thường xuyên. Một số mẹo là sử dụng bát, đĩa đựng đồ ăn nhỏ hơn. Nếu đói hãy ăn thêm rau hay hoàn thành bữa ăn với hoa quả.
Muối và đường
Cơ thể bạn cần lượng muối và đường nhất định, nhưng nếu vượt qua mức quy định, có thể gây ra vấn đề sức khỏe lâu dài. Đường chứa ít các chất dinh dưỡng, thực phẩm có nhiều đường và muối sẽ khiến bạn dư thừa calo, nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng khác. Lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có vị ngọt tự nhiên có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bạn, trong khi vẫn giữ calo.
Uống nhiều nước hằng ngày
Mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, nó cũng là nguyên nhân gây đau đầu. Nước rất cần thiết vì nó giúp thanh lọc độc tố và chất thải từ cơ thể.