(Tin Môi Trường) - Hình ảnh phóng viên thời tiết Mỹ đứng giữa trời mưa bão để đưa tin làm dấy lên tranh luận về sự cần thiết của hành động này.
Nhóm phóng viên truyền hình Mỹ đứng tại một con phố ngập nước ở Miami để đưa tin bão Irma đổ bộ vào bang Florida vào ngày 10/9. Ảnh: AP.
Bão Irma đổ bộ vào bang Florida, Mỹ, ngày 10/9. Florida Keys, quần đảo san hô chạy dài hơn 190 km, ngoài khơi phía nam Florida, trở thành nơi hứng trọn sức mạnh của bão với những đợt gió giật lên tới 209 km/h.
Đúng thời điểm đó, Bill Weir, phóng viên kênh CNN, có mặt tại Key Largo trên đảo để đưa tin về bão. Qua cầu truyền hình trực tiếp, khán giả có thể thấy Weir gần như không thể đứng vững trước các đợt gió dồn dập, thậm chí, có lúc anh bị gió quật ngã.
Hình ảnh đó châm ngòi cho một cuộc tranh luận trên mạng xã hội Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu phóng viên có nhất thiết phải "xông pha" đứng giữa trời mưa to gió lớn để đưa tin không? Thậm chí, một số còn nghi vấn phóng viên cố ý "làm màu", theo New York Times.
"Tại sao các hãng tin thấy cần thiết phải cử phóng viên ra hiện trường như thế?", một người bình luận trên mạng xã hội Twitter.
"Việc này không an toàn và tạo gương xấu", một người khác chỉ trích.
Nhiều người chỉ ra rằng phóng viên thời tiết đứng ở những địa điểm mà chính quyền khuyến cáo người dân "không được tới". Và chính biên tập viên của CNN cũng phải thừa nhận rằng "công chúng đã đưa ra lập luận rất có lý để cho thấy đứng giữa trời bão không phải là một việc làm thông minh".
Phóng viên Kyung Lah của kênh CNN, tường thuật diễn biến bão Irma từ Miami Beach, bang Florida.
Bill Weir không phải là phóng viên truyền hình duy nhất bất chấp nguy hiểm, đi vào giữa tâm bão Irma. Chỉ vài giờ sau đó, phóng viên thường trú của MSNBC, Mariana Atencio, đứng trên một đại lộ ở thành phố biển Miami và chỉ về phía một cái cây lớn gần đó đã bị gió bão quật đổ. Người xem truyền hình không khỏi lo lắng cho cả phóng viên và quay phim. Bản tin trưa cùng ngày, trên kênh CNN, phóng viên Kyung Lah, tường thuật từ Miami Beach, cho biết nếu không bám vào hàng rào sắt, cô đã bị thổi bay.
Ra hiện trường đưa tin bão không phải là chuyện mới, các phóng viên truyền hình đã làm vậy hàng thập kỷ qua. Công chúng cũng nhiều lần tranh luận liệu đưa tin mà chấp nhận nguy hiểm tính mạng như vậy có đáng hay không? Trong thời đại của mạng xã hội, các cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn.
Bên phản đối cho rằng để phóng viên vật lộn với mưa to, gió giật là không cần thiết, thậm chí còn "quá sến". Các phóng viên thời tiết thì cho rằng những hình ảnh thật về sức mạnh của bão vô cùng quan trọng nhằm tạo ảnh hưởng "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ" đối với công chúng.
Các phóng viên cho rằng nhiều người dân sẽ chưa chịu rời khỏi nơi nguy hiểm cho đến khi họ thấy được sức tàn phá của cơn bão qua truyền hình, ví dụ như cảnh phóng viên John Berman của CNN, đưa tin từ Miami, đứng ngoài trời hứng trọn các mảnh vụn bay trong gió đập vào người.
"Mọi người hỏi kiểu như 'nếu anh có thể đứng giữa trời bão thì sao tôi không thể làm như vậy?'. Tôi sẽ trả lời điều chúng tôi đang làm là nhằm cho anh thấy ở ngoài kia, thời tiết thực sự như thế nào", theo Sam Champion, biên tập viên thời tiết cộng tác với kênh MSNBC.
Mark Strassmann, phóng viên thường trú CBS News có 25 năm kinh nghiệm đưa tin bão, nói công chúng có lý khi thắc mắc tại sao phóng viên lại tới những nơi mà người dân được khuyến cáo nên tránh xa.
"Một phần nhiệm vụ của báo hình là truyền tải những thông tin bằng hình ảnh", Strassmann nói. "Anh muốn thuyết phục mọi người rằng những điều họ đang nhìn thấy là thật và có ảnh hưởng tới họ. Nếu khán giả nhìn thấy tôi đứng đó giữa trời bão và bị mưa gió quật, họ sẽ tin rằng họ không nên làm điều tương tự".
Ngoài ra, nhiều phóng viên còn chấp nhận ra hiện trường vì khao khát muốn chứng kiến tận mắt một sự kiện có quy mô và tầm ảnh hưởng cấp quốc gia.
"Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng có hàng triệu người ngoài kia muốn công việc này. Nếu anh không làm, sẽ có người khác làm", Hayley Minogue, phóng viên kênh WKRG tại thành phố Jacksonville, phía đông bắc bang Florida, cho biết. Đây là lần đầu tiên cô đưa tin bão.
Whitney Burbank, phóng viên WPBF, kênh địa phương của đài ABC ở West Palm Beach, Florida, cho biết lãnh đạo đài không gây sức ép, buộc cô đối mặt với tình huống nguy hiểm.
"Các sếp của tôi khá cẩn thận với những trường hợp không an toàn", Burbank nói. "Họ không muốn anh đâm đầu vào những tình huống như vậy. Họ không muốn anh làm những điều điên rồ để có một cảnh quay giữa tố lốc. Nếu gió giật quá mạnh, họ sẽ bảo 'đừng ra ngoài đưa tin'".