Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cấp cứu 10 phút chết ba mẹ con là có vấn đề

(19:55:35 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Theo ý kiến của nhiều bác sĩ, trường hợp chị Vương Lệ Trinh và song thai 35 tuần tuổi tử vong sau 10 phút cấp cứu tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng TPHCM là do khâu cấp cứu có vấn đề.

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ, trường hợp chị Vương Lệ Trinh và song thai 35 tuần tuổi tử vong sau 10 phút cấp cứu tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng TPHCM là do khâu cấp cứu có vấn đề.

 

Sau khi  thông tin về cái chết của sản phụ Vương Lệ Trinh và song thai 35 tuần tuổi, ngày 21/5, Sở Y tế TPHCM chỉ đạo thanh tra vào cuộc. Cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng TPHCM cũng họp hội đồng khoa học, xem xét quá trình cấp cứu của sản phụ Trinh.

 

Bệnh viện - Bác sỹ làm hết mình

 

Trao đổi với PV ngày 21/5, bác sĩ Nguyễn Thị Đức Hạnh - Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng TPHCM - cho biết, ngay khi bệnh nhân vào cấp cứu, ê kíp trực đã tổ chức cấp cứu, nhưng do bệnh nặng nên chỉ 10 phút cấp cứu, cả ba mẹ con tử vong.

 

“Đây là trường hợp tử vong khách quan, không ai mong muốn! Bệnh viện đã nỗ lực hết mình, có trách nhiệm trong khi cứu người” - bác sĩ Hạnh nói.

 

Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng, chị Trinh vào cấp cứu trong tình trạng bệnh nặng.

 

“Ngay khi nhập viện, ê kíp cấp cứu chẩn đoán là theo dõi tiền sản giật nên cho thở oxy, lập đường truyền. Tuy nhiên, 10 phút sau cấp cứu, bệnh nhân rơi vào tình trạng trụy mạch và tử vong, do bị biến chứng tiền sản giật, vì có những biểu hiện như đạm niệu cao, phù chân dẫn đến phù phổi cấp, choáng tim”.

 

Bác sĩ Thanh khẳng định, ê kíp trực làm hết lòng, có trách nhiệm, nhưng chứng tiền sản giật dễ dẫn đến tử vong.

 

“Với những trường hợp đạm niệu cao như chị Trinh, vào những tháng cuối thai kỳ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tiền sản giật và tử vong cao” - bác sĩ Thanh nói.

 

Chuyên gia - Cấp cứu có vấn đề

Trả lời phóng viên về việc gia đình anh Nam yêu cầu bệnh viện bồi thường vì mất mát quá lớn trên, bác sĩ Hạnh cho rằng: “Khi chưa biết nguyên nhân cụ thể cái chết của người thân do phía bệnh viện hay do khách quan, việc đòi bồi thường là không có cơ sở”.

Chiều 21/5, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, tỷ lệ đạm niệu là 1.0g/l của thai phụ trong tháng cuối sinh là không cao.

 

Theo bác sĩ Hà, chỉ khi nào tỷ lệ đạm niệu 5g/l trong 24 giờ với huyết áp cao sẽ được coi là chứng tiền sản giật nặng, 2g/l/24 giờ được chẩn đoán mắc chứng tiền sản giật...

 

Bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương - cho rằng, tiền sản giật, hay nói cách khác là nhiễm độc thai nghén, xảy ra khi bệnh nhân có tình trạng huyết áp cao đột ngột, dẫn tới sản giật làm vỡ mạch máu não, phù phổi cấp, mới dẫn tới tử vong. Nếu không có triệu chứng tăng huyết áp đột ngột thì khó có thể nói bệnh nhân bị tiền sản giật.

 

“Tiền sản giật tử vong cũng không xảy ra quá nhanh. Bệnh nhân phải trải qua triệu chứng tăng vọt huyết áp, lên cơn co giật dữ dội một khoảng thời gian. Do đó, nếu được cấp cứu kịp thời, đúng chuyên khoa, bác sĩ có thể cho đình chỉ thai, mổ cứu con” - bác sĩ Thủy nói.

 

Trong hồ sơ bệnh án, thời gian thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương suốt trong 35 tuần mang thai sinh đôi của chị Trinh không thấy một bất thường gì.

 

Trong buổi tiếp xúc với PV chiều 21/5, anh Nam, chồng chị Trinh, cho rằng: “Thấy vợ than mệt nên tôi lấy xe máy chở vợ vào cấp cứu, vì nghĩ rằng Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng gần nhà. Vợ tôi chỉ mệt chứ không có tím tái toàn thân, khó thở như bác sĩ nói”.

 

Theo anh Nam, sau 10 ngày vợ và con anh chết, gia đình không nhận được một lời thăm hỏi động viên giải thích cặn kẽ về nguyên nhân từ phía bệnh viện.

(Theo Tiền Phong)