(Tin Môi Trường) - Đạo diễn phim tài liệu Đoàn Hồng Lê chia sẻ những suy nghĩ của chị về những bức bích họa nơi làng quê mà theo chị là 'thiếu hiểu biết và tầm văn hoá'.
Khi ngựa vằn, voi, hoa anh đào xuất hiện lạ lẫm ở Thanh Thuỷ - Bình Sơn - Ảnh: tác giả cung cấp
Trên tường ngoài của những ngôi nhà ở làng chài Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi là những bức bích họa màu sắc sặc sỡ do nhóm họa sĩ đến từ TPHCM thi công.
Đây là một hạng mục trong dự án đầu tư cho du lịch của huyện ủy Bình Sơn, Quảng Ngãi với tổng vốn 1,5 tỷ đồng, gồm xây cột cờ, làm đường và vẽ bích họa, với kỳ vọng phát huy lợi thế của di sản địa chất Gành Yến.
Thoăn thoắt rót nước và kéo ghế mời khách, chị Duyên hồ hởi nói rằng từ ngày Thanh Thủy lên đời thành làng bích họa, mỗi ngày có hàng trăm bạn trẻ đến đây chụp ảnh "nghe nói seo phi chi chi đó".
Quán nước của chị thứ 7 chủ nhật thì lúc nào cũng đông, bà con xung quanh có người bỏ đi biển, ở nhà mở dịch vụ giữ xe, bán nước giải khát.
Với chủ đề chính là bảo vệ môi trường biển, nhưng ngoài một vài bức vẽ 3D cảnh vật đáy biển và thắng cảnh Gành Yến, số còn lại là những bức họa mà ý tưởng đơn giản đến mức ngây ngô, như sao chép từ tranh minh họa sách thiếu nhi.
Những hình ảnh voi, ngựa vằn, hổ, gấu, rồng hay dòng sông hoa anh đào, tường nhà kiểu tây cổng vòm chậu hoa hoàn toàn lạc lõng với cảnh sắc giản dị đơn sơ của làng chài, khiến ngay cả người dân Thanh Thủy cũng thấy ngỡ ngàng lạ lẫm.
Ngồi trong nhà nhìn ra đám thanh niên đang thi nhau chụp ảnh bên bức bích họa vẽ con rồng xanh dọc tường rào nhà đối diện, ông Sáu bảo mới hôm trước xã xuống báo sẽ có dự án thì hôm sau đã thấy xe chở họa sĩ đến.
Không khảo sát cảnh vật, không nghiên cứu bản sắc văn hóa địa phương, không gặp gỡ người dân tìm hiểu, nên bích họa không gắn kết với đời sống cũng chẳng có gì là lạ, trong khi làng sống dựa vào biển mà từ đầu làng đến cuối xóm không thấy một bức họa nghề chài lưới hoặc nghề trồng hành tím vốn là đặc sản xứ cát này.
Từ giữa năm 2016, khi làng bích họa Tam Thanh, Núi Thành, Quảng Nam với những bức vẽ sống động của các họa sĩ Hàn Quốc về những sinh hoạt đời sống bình dị của người dân vùng biển trở thành điểm đến du lịch hút khách thì sau đó nhiều làng bích họa khác đã ra đời với concept (khái niệm) tương tự.
Quảng Nam có thêm làng bích họa Tam Hải, Quảng Ngãi có làng bích họa Lý Sơn, và mới đây là Thanh Thủy.
Tuy bích họa là loại hình nghệ thuật cộng đồng, nhìn thì cảm giác như nhiều ngẫu hứng nhưng vẫn cần một trình độ thẩm mỹ nhất định để quy hoạch và lên ý tưởng.
Bích hoạ cũng cần thời gian để họa sĩ cảm nhận được bản sắc văn hóa địa phương và chuyển tải vào tác phẩm, giúp du khách kết nối cảm xúc với vùng đất và con người, chứ không phải sơn phết tùy tiện để rồi làng bích hoạ trở thành làng… thảm hoạ.
Có nhiều phương cách làm du lịch, có cách chỉ giúp những người dân như chị Duyên bán nước giải khát và giữ xe thu bạc cắc, cũng có cách khiến du khách yêu mến cảnh sắc và con người, tự nguyện móc túi trả cho những sản phẩm cao cấp hơn, vừa giúp người dân thu tiền chẵn, vừa giúp bảo tồn bản sắc địa phương.
Lựa chọn phương cách đúng thì không thể chỉ dựa trên quyết tâm phát triển mà thiếu đi sự hiểu biết và tầm văn hoá.
Bích hoạ cũng như bất kỳ sản phẩm du lịch nào, đều cuốn hút du khách bằng đặc thù văn hoá bản địa. Những bức bích hoạ trên tường nhà người dân ở khu phố cổ của thành phố Melaka, Malaysia là một ví dụ. Được hình thành từ concept "Kết nối quá khứ và hiện tại" do hội nghệ sĩ Tiền phong Malaysia đề xuất và thực hiện, những bức bích hoạ vẽ các sinh hoạt truyền thống của người dân Melaka trong quá khứ như nghề rèn, nghề viết đơn thư thuê, nghề mộc, những trò chơi dân gian của trẻ em… giúp du khách hình dung lịch sử và văn hoá của Melaka nhanh chóng. Và bên cạnh đó là phố bán hàng lưu niệm, lại là những cảnh sinh hoạt ấy được tái hiện trên tượng gỗ, phù điêu, áo thun và đồ chơi trẻ em, đồ thủ công do thợ địa phương chế tác. Mỗi năm Melaka đón hơn một triệu khách du lịch, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.