(Tin Môi Trường) - Ngày 29 tháng 8 năm 2017 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đối tác Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC-P) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu
Nội dung chính của hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các thông tin cập nhật về biến đổi khí hậu (BĐKH), tác động của BĐKH đến các tỉnh miền Bắc và Đồng bằng sông Hồng; việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Tuấn Nhân; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, Bà Jenty Kirsch-Wood, thay mặt cho Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam; và Ông Jóc-Ruy-Gờ, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức, đồng chủ trì.
Tham gia Hội nghị có đại diện tới từ Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, Tổ công tác rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Đại diện các Bộ, ngành, Lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh miền Bắc; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO), các Viện nghiên cứu, đại diện các đối tác phát triển, và đại diện các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Thoả thuận Paris về khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP 21, Paris, Pháp vào tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 04 tháng 11 năm 2016 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi Bên tham gia Công ước Khí hậu. Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 160 nước phê chuẩn trong tổng số 197 Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH.
Sau khi Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris ngày 31 tháng 10 năm 2016, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu do Thỏa thuận Paris quy định. Để triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.
“Tại Văn bản số 199/TTg-QHQT ngày 08 tháng 02 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn tại ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, các tổ chức quốc tế nghiên cứu tập hợp các mô hình và tiếp cận mới trong ứng phó với BĐKH để chia sẻ, phổ biến, áp dụng rộng rãi các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Phát biểu thay mặt cho Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, bà Jenty Kirsch-Wood cho biết UNDP đã khởi động một số dự án quan trọng hỗ trợ Chính phủ thực hiện Kế hoạch hành động để thực hiện Thỏa thuận Paris. Bà nói: “UNDP cam kết hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan. Chúng tôi mong muốn hợp tác với khu vực tư nhân nhằm giảm chi phí vào Nghiên cứu và Phát triển, triển khai những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.
Ông Jóc-Ruy-Gờ, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: “Chính phủ Đức đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Giảm phát khí nhà kính là cách duy nhất khả thi để giảm nhẹ BĐKH. Mục tiêu chung này đòi hỏi sự chuyển đổi đáng kể trong xã hội. Chính phủ Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực nói trên thông qua quá trình cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và các dự án khác”.
Hội nghị lần này tại Hà Nội là Hội nghị thứ ba, sau Hội nghị khu vực miền Trung ngày 28 tháng 7, Hội nghị khu vực miền Nam ngày 18 tháng 8.
Hội nghị cũng là cơ hội để các bên chia sẻ kinh nghiệm của mình với các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khác và với các Bộ, ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cũng như tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường nói chung và ứng phó với BĐKH nói riêng trong thời gian tới.