(Tin Môi Trường) - Vẽ hoa lên cột đèn ở TP.HCM, hay nắp cống ở Hà Nội cho thấy việc trang trí công cộng không được tổ chức bài bản.
“Hoa mầm non” đồng loạt nở trên cột điện nhiều tuyến đường tại Q.11, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Dương
Tự phát và lãng phí
Hồi đầu tháng 8, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thu Hòa đã vô cùng mừng rỡ khi bắt gặp nhóm thanh niên ríu rít vẽ những hình trang trí lên nắp cống trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Dựa vào những hình hoa được cắt sẵn trên giấy, các em theo đó mà vẽ màu lên. Tuy nhiên, niềm vui của bà kéo dài không lâu. Chỉ một tuần sau, cơn mưa đã xóa nhòa tất cả. Những nắp cống khi đó chỉ còn lại loang lổ màu mà không còn hình hài trang trí nữa. “Mới sơn thứ bảy tuần trước. Thật tốn công sức, tốn tiền và cả không gian lúc thi công”, bà Hòa nói.
Chỉ nửa tháng sau đó, TP.HCM lại có việc thanh niên ra quân đồng loạt để thay áo mới cho các cột điện. Việc thay áo bằng cách vẽ hoa sao 5 cánh này được Q.11 thực hiện trên 3 tuyến đường lớn của quận. Về những cây cột điện mới này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL, nói: “Không nên phát triển tự phát như vậy. Nó không bảo đảm hiệu ứng mỹ thuật và cũng ảnh hưởng an toàn giao thông. Ý nghĩ tốt chưa đủ, nó vẫn có thể thành rác mỹ thuật”.
Trước đó, Hà Nội còn có một tác phẩm mỹ thuật công cộng cũng gây tranh cãi. Đó là bức tường ở tổ dân phố 28, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Gốm được ốp lên để tránh vẽ bậy, bức tường là niềm tự hào của nhiều người dân. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, cũng có những gia đình từ chối không gắn tranh lên tường. Lý do là họ không ưng ý về chất liệu, thẩm mỹ và không muốn hễ cứ mở cửa ra là phải nhìn thấy.
“Vì nội dung tranh tường do từng gia đình quyết định nên bị trùng lặp như cảnh hồ Gươm, vinh quy, cày cấy… Tay nghề nghệ nhân làm tranh cũng không tốt, nên bố cục của tranh và 200 m tường cũng không ổn. Tranh gốm vốn làm để đặt trong nhà nay mang ra ngoài trời dãi dầu mưa nắng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp. Rõ ràng, về tổng thể, đây không phải cách làm mang hiệu quả mỹ thuật tốt lâu dài”, ông Bình cho biết.
Nắp cống bong trôi màu ngay sau 1 tuần được vẽ, gây lãng phí nguồn lực xã hội - ẢNH: HOA NGUYỄN
Cần được chuyên gia thẩm định
Không thể phủ nhận những bức tranh tường, trang trí công cộng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) và làng bích họa đảo bé An Bình, Lý Sơn (Quảng Ngãi) là hai ví dụ như vậy. Những bức tranh tường được vẽ có hệ thống trên các đảo này đã mang lại hiệu ứng thị giác rất tốt, thậm chí chúng còn trở thành điểm nhấn du lịch tại hai làng trên. Cả hai đều được lên kế hoạch thực hiện kỹ lưỡng trước khi các họa sĩ VN và Hàn Quốc chính thức đặt bút vẽ.
“Nghệ sĩ gửi phác thảo mang thông điệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rùa biển đến cho ban tổ chức. Khi được duyệt, chúng tôi đến vẽ. Công việc vẽ không quá lâu vì bản phác thảo đã là tỷ lệ 1:1”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, người đã tham gia vẽ ở Lý Sơn, nói.
Ông Vi Kiến Thành cho biết hiện nay quy định của pháp luật tương đối mở về thủ tục xin vẽ ở nơi công cộng. Các nghệ sĩ hoặc thanh niên tình nguyện chỉ cần xin phép quận, phường là có thể làm được. “Quận và phường muốn sạch đẹp, nhưng lại chưa có khả năng thẩm định tốt. Đáng lẽ họ nên tham vấn Sở VH-TT-DL địa phương, khi đó Sở sẽ mời chuyên gia mỹ thuật kiến trúc tư vấn cho”, ông Thành nói.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người đã biến nhiều khu nhà bỏ hoang thành khu công nghiệp giải trí, đề xuất: “Hoàn toàn có thể làm như ở trong làng bích họa Tam Thanh, hay như Hà Nội sắp làm với khu gầm cầu Long Biên. Nghĩa là phải lập đề án, trong đó nêu rõ tranh sẽ đưa những nội dung gì vào. Ví dụ đưa đời sống, đưa tự nhiên hay đưa vấn đề lịch sử văn hóa nào vào tranh. Đề án cũng phải quan tâm đến vấn đề cảnh quan đô thị, trang trí đô thị, ảnh hưởng thị giác đô thị như thế nào. Sau khi đề án xong xuôi mới tuyển nghệ sĩ. Vì một sản phẩm trông đơn giản thế thôi nhưng khi ở ngoài đường, nó sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn người”.
Ông Nguyễn Đức Bình lại chú ý hơn về vấn đề bảo dưỡng các công trình mỹ thuật công cộng này. “Khi vận hành, công trình sẽ đối mặt với tình trạng nứt, bong tróc. Việc bảo dưỡng định kỳ cũng cần phải được tính tới”, ông Bình nêu ý kiến.
Sẽ có hàng trăm cột điện “nở hoa”
Vẽ bích họa ở đảo bé An Bình, Lý Sơn được thực hiện bài bản - ẢNH: HỒNG MINH
Những ngày qua, người dân sống cũng như di chuyển qua tuyến đường Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm, Bình Thới (Q.11, TP.HCM) tỏ ra ngạc nhiên khi thấy những cột điện, trụ đèn đen đúa chằng chịt giấy quảng cáo thường ngày nay được “hô biến” thành những “bông hoa bé ngoan” 5 cánh màu sắc rực rỡ cùng dòng chữ “Hãy nghĩ về môi trường”. Việc trang trí cột điện này do các đoàn viên thanh niên Quận đoàn Q.11 tổ chức thực hiện. Theo đại diện đơn vị này, ý tưởng “khoác áo mới cho cột điện” xuất phát từ Đoàn thanh niên P.5, sau đó Đoàn thanh niên quận tổ chức thực hiện rộng rãi trên địa bàn quận. Đến thời điểm hiện tại, các đoàn viên của 16 phường đã đồng loạt vẽ trên 3 tuyến đường lớn của quận: Lạc Long Quân, Ông Ích Khiêm, Bình Thới. Dự kiến trong chiến dịch này, có 500 cột điện, trụ đèn sẽ được làm sạch và sơn lại.
Tuy nhiên, rất nhiều cột điện mới sơn vẽ được mấy ngày đã bị bong tróc, quảng cáo dán đè lên hoặc các cơ sở kinh doanh có ý thức hơn thì “sáng tạo” bằng cách buộc dây, treo biển, lấp hết cả hoa lẫn lá. Một vài cột điện trên đường Lạc Long Quân hoa còn “tươi” nguyên nhưng bên trên thì đầy những quảng cáo mới dán, còn bên dưới thì rác tràn lan. Một số cột điện khác chỉ vừa vẽ vài ngày đã bị bẩn, lem luốc và trầy xước càng làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị.