(Tin Môi Trường) - Việc phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT sẽ đem lại lợi ích cho ai nếu như đi ngược lại lợi ích của chính người tham gia giao thông?
Chiều ngày 14.8, các tài xế lại dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng khi qua trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang để phản đối việc đặt trạm thu phí tại đây.
Đề phòng trường hợp này, trạm đã cử thêm nhân viên bảo vệ và “huy động” cả công an xã.
Do là giờ cao điểm, việc các tài xế trả tiền lẻ khiến xe cộ bị ùn ứ hướng từ TP HCM về Vĩnh Long khoảng nửa tiếng.
Sau đó, một lần nữa, trạm buộc phải xả hết các làn, cho nhân viên thu phí vào nghỉ.
Người dân trả tiền lẻ cho nhân viên thu phí trạm BOT Cai Lậy
Như vậy, trong hơn 1 tuần hoạt động, các tài xế liên tục dùng tiền lẻ vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Họ yêu cầu dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh, vì đây mới là đường được đầu tư.
Trước vụ trạm BOT Cai Lậy là vụ việc người dân phản đối quyết liệt bằng nhiều hình thức với trạm BOT cầu Bến Thuỷ; BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh); trạm BOT Quán Hàu (Quảng Bình); BOT Hùng Thắng (Phú Thọ); BOT (Phú Lương, Thái Nguyên) như dùng tiền lẻ qua trạm, diễu hành bằng ô tô.v.v..
Các nhà quản lý nhìn thấy gì khi những tài xế chuẩn bị tiền lẻ, tươi cười đếm từng tờ để trả phí đường BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang?
Hay họ không nhìn sự phản ứng đó mà cho rằng đấy là những hành vi tiêu cực, xem xét việc xử lý tài xế thì là góc nhìn không thoả đáng!
Họ cần nhìn thấy sự tán thưởng của hàng ngàn người chôn chân trên quốc lộ vì tắc đường, nhưng lại bày tỏ sự tán thưởng với những hành động gây tắc đường. Đó là khi nỗi khó chịu, ấm ức bị chuyển hoá thành sự bất cần của dân chúng, khi ngưỡng chịu đựng đã bị vượt qua.
Năm 2012, khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ, để bảo vệ đề xuất này, Bộ trưởng thời đó là ông Đinh La Thăng hứa sẽ loại bỏ dần các trạm thu phí đường.
Tuy nhiên, theo thời gian, các trạm thu phí tiếp tục tăng và không chỉ xuất hiện trên các tuyến đường được xây mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu như mọi tuyến quốc lộ huyết mạch đều có trạm thu phí. Thậm chí có những tuyến độc đạo như Quốc lộ 6 qua Lương Sơn (Hoà Bình), hay cầu Việt Trì trên Quốc lộ 2 cũng đặt trạm thu phí.
Quốc lộ 1, con đường vận tải huyết mạch của đất nước có tới hơn 20 trạm thu phí. Hiện tượng này mâu thuẫn với điều 7, chương II, Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó nguồn thu phí trên đầu phương tiện được chi cho việc bảo trì, quản lý, vận hành hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ.
Như vậy, người dân đã đóng phí bảo trì để được đảm bảo chất lượng di chuyển trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ nhưng vẫn phải mua quyền sử dụng đường từ các nhà đầu tư BOT.
Điều đó có nghĩa là người dân đang phải đóng tiền trên đầu phương tiện để giúp các nhà đầu tư kinh doanh các tuyến đường.
Trạm BOT Tào Xuyên được yêu cầu dừng thu phí. Ảnh: VNE
Và câu chuyện Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) đã thu hồi quá số vốn đầu tư dự án đường tránh TP.Thanh Hóa (sớm hơn 20 năm so) nên được yêu cầu dừng hoạt động đã cho thấy lợi nhuận lớn thế nào của dự án này.
Mục đích của BOT giao thông là huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới giao thông khi nguồn lực Nhà nước không đủ khả năng đáp ứng.
Tuy nhiên, khái niệm “phát triển” hoàn toàn khác với việc bán khoán hệ thống quốc lộ cho các doanh nghiệp khai thác.
Việc người dân đóng phí bảo trì đường bộ, thực chất là để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT. Thậm chí, tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ, vốn được đầu tư bằng nguồn vay ODA, nhưng nay cũng đã trở thành đường BOT.
Điều đó hoàn toàn trái với khái niệm “xây dựng, vận hành, chuyển giao” bởi việc xây dựng đã được thực hiện bằng sức dân.
Trở lại với câu chuyện dùng tiền lẻ qua trạm ở Cai Lậy. Hành vi cố ý kéo dài thời gian qua trạm gây ùn tắc giao thông của nhiều lái xe đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích của người tham gia giao thông.
Thiệt hại do ùn tắc giao thông là rất lớn. Song, điều này lại được chính các nạn nhân ủng hộ, bởi nó gây khó khăn cho doanh nghiệp BOT.
Điều đó có nghĩa trong suy nghĩ của nhiều người, sự tồn tại của trạm thu phí này tệ hơn việc phải chấp nhận tắc đường.
BOT (tiếng Anh: Build-Operate-Transfer) có nghĩa là: "Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao" nhằm phát triển hạ tầng tầng giao thông để người dân có thêm nhiều lựa chọn.
Khác hẳn với đa số các tuyến đường BOT thu phí của dân hiện nay, là đường được Nhà nước xây dựng từ tiền ngân sách thu từ thuế của dân, nay các doanh nghiệp chỉ trải lớp nhựa lên là thành BOT. Bản chất tạo nên phí chồng thuế. Người dân qua những con đường này thiệt đủ đường.
Câu hỏi nhức nhối là: Lợi ích BOT ai đang hưởng nếu không muốn nói là doanh nghiệp đang hưởng lợi là chính, Nhà nước có được hưởng bao nhiêu, xã hội càng được ít.
Như vậy, phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT sẽ đem lại lợi ích cho ai nếu như đi ngược lại lợi ích của người tham gia giao thông?
Đó là một câu hỏi rất cần các nhà quản lý nhận ra, thay vì chỉ nhìn thấy một chiều những phản ứng của người dân và “đổ” rằng đó là những hành vi tiêu cực.