Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nên dừng dự án lấn sông Đồng Nai

(09:34:21 AM 05/08/2017)
(Tin Môi Trường) - Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng dự án lấn sông Đồng Nai đã vi phạm Luật Tài nguyên nước (năm 2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật Giao thông đường thủy nội địa (2014)...

Liên quan dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, giữa tháng 7-2017, Chính phủ đã có ý kiến giao chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xem xét xử lý theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về dự án.

 
Nên dừng dự án lấn sông Đồng Nai
Dự án lấn sông Đồng Nai bị tạm ngưng từ năm 2015
 
Cùng thời gian này, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị dừng hẳn dự án và giải tỏa toàn bộ hạng mục đã san lấp để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến con sông này.
 
VRN cho rằng việc lấn sông đã vi phạm vào các quy định của Luật Tài nguyên nước (năm 2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật Giao thông đường thủy nội địa (2014)... Lấp, lấn sông với khối lượng rất lớn cùng với các hoạt động khác kéo theo đó sẽ gây những tác động tức thì và tiềm tàng với cả lưu vực.
 
VRN cũng quan ngại việc thực hiện dự án theo hướng tác động vào môi trường sẽ tạo tiền lệ xấu cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác. Sông Đồng Nai là sông lớn thứ ba của cả nước, chảy qua 10 tỉnh, thành và là nguồn sống quan trọng của hơn 20 triệu dân trong vùng kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mới nhất của dự án cũng chưa làm rõ được những tác động của việc lấn sông đến các đặc tính tự nhiên của sông, cũng như sinh kế của người dân trong lưu vực.
 
Dự án lấn sông Đồng Nai từng bị dư luận và các nhà khoa học phản ứng vì gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội tại lưu vực sông Đồng Nai và đã buộc phải tạm dừng từ năm 2015. Dự án có tổng diện tích 8,4 ha, thì đã có đến 7,7 ha là do lấn chiếm lòng sông mà có. Do vậy, dự án lấn sông không phải là để chỉnh trang sông ngòi, cải tạo cảnh quan mà là lấn chiếm sông, kiếm lợi từ nguồn tài nguyên và không gian chung của cộng đồng. Công ty Toàn Thịnh Phát và UBND tỉnh Đồng Nai từng công bố "kỳ vọng" nhiều vào dự án khu đô thị này, trong đó có 2 chung cư 25 tầng, 34 biệt thự liền kề, 1 khu trung tâm thương mại, xếp vào dạng công trình trọng điểm của tỉnh.
 
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu thuộc VRN, cho biết việc Chính phủ tiếp tục đồng ý cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tự quyết định việc xây dựng dự án lấn sông Đồng Nai sẽ tạo tiền lệ cho việc gia tăng vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông của Việt Nam. "VRN đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai chỉ cho phép xem xét thực hiện dự án theo hướng chỉnh trang bờ sông, cải tạo cảnh cảnh quan đô thị trong giới hạn bờ sông hiện hữu trở vào trong. Đồng thời, phải sớm giải tỏa những hạng mục đã san lấp của dự án để ngăn ngừa những tác động tiêu cực về môi trường trong tương lai" - TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Đã chịu nhiều áp lực

 
TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng sông Đồng Nai từ lâu đã chịu nhiều áp lực, trong đó có việc xây dựng hàng loạt thủy điện, ô nhiễm nguồn nước do phát triển công nghiệp và đô thị ven sông. Vì thế, bất cứ hoạt động nào can thiệp liên quan đến dòng chính đều có tác động trên bình diện chung đến toàn bộ lưu vực.
Theo XUÂN HOÀNG (NLĐ)