(Tin Môi Trường) - UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định việc xây bãi thải xỉ của Formosa về quy trình, quy định là đúng pháp luật Việt Nam
Ngày 30-7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có thông cáo báo chí thông tin về quy hoạch mặt bằng sử dụng đất của Formosa, trong đó có bãi thải xỉ.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, về quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của dự án Formosa đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 20-9-2010 và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 137/QĐ-BGTVT ngày 17-1-2012, trong đó có khu bãi thải xỉ là đúng thẩm quyền; về quy trình, quy định là đúng pháp luật Việt Nam.
Khi thực hiện tổng thể dự án Formosa, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường vào năm 2008 và 2015, trong đó có bãi thải xỉ. Thực hiện chức năng chuyên ngành và quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ TN-MT cùng Tổ Công tác giám sát của UBND tỉnh thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra, giám sát tổng thể dự án Formosa, trong đó có bãi thải xỉ nói trên.
Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hiện bãi tro xỉ đang trong quá trình hoàn thiện cơ bản. Để đưa vào sử dụng, phải qua quá trình kiểm tra, thẩm định, đánh giá của bộ về độ an toàn sau đó mới cấp phép. Việc quản lý, phân loại các chất thải từ dự án Formosa đều thực hiện đúng theo quy trình.
Chuyên gia nhấn mạnh lại việc lấn biển và lưu trữ xỉ thải phải bảo đảm không tác động đến môi trường xung quanh Ảnh: Đức Ngọc
Một chuyên gia thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN-MT cho rằng quan điểm chung cần được duy trì nhất quán là không ủng hộ việc lấn biển vì mọi lý do, bởi hành động này làm thay đổi tự nhiên, nhất là lấn biển ở phía đón sóng.
Song, theo chuyên gia này, cần phải hiểu rằng trong khi tro, xỉ ở các dự án phía Bắc làm ra bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, thậm chí không đủ vì nhu cầu đóng gạch không nung rất lớn thì ở miền Trung không thể tiêu thụ. "Do không có thói quen sử dụng gạch không nung, điều kiện xây dựng ít, vận chuyển tốn kém nên không tiêu thụ được tro, xỉ. Do vậy, phải có phương án lưu giữ. Nhưng bởi nhiều lý do không thể làm bãi trên bờ vì khó khăn về mặt bằng, đền bù giải tỏa rất nhiều tiền nên phương án lấn biển được xem xét đến" - chuyên gia trên lý giải. Vị này cũng nhấn mạnh lại việc lấn biển và lưu trữ xỉ thải của doanh nghiệp phải bảo đảm không tác động đến môi trường xung quanh, không gây độc hại.
Trước đó, Bộ TN-MT cũng đã khẳng định các nhà máy sản xuất thép liên hợp trên thế giới đều có bãi chứa xỉ lấn biển, như Nhà máy Thép liên hợp Gwangyang, Nhà máy Thép liên hợp Pohang tại Hàn Quốc. Với trường hợp của Formosa, dù đã được phê duyệt diện tích bãi xỉ lấn biển là 281,6 ha nhưng trong quá trình triển khai dự án, Formosa đã nghiên cứu và đề xuất phương án tái sử dụng phần lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh để phục vụ quá trình sản xuất. Về các yêu cầu với môi trường, bộ cũng yêu cầu Formosa chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn chống thấm đối với đáy bãi; chống thẩm thấu mặt ngang; bảo đảm độ an toàn cao nhất có thể chống chịu được các biến động của tự nhiên như động đất và sóng thần.