Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bi kịch từ dòng sông chết ở Ấn Độ

(11:32:57 AM 27/07/2017)
(Tin Môi Trường) - Khô hạn, xả thải, khai thác mỏ tràn lan và phá rừng đã giết chết dòng sông Cauvery, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người dân miền nam Ấn Độ.

Bi kịch từ dòng sông chết ở Ấn Độ

Hạn hán tại bang Tamil Nadu ở Ấn Độ  -ảnh:  AFP
 
Nằm vắt ngang cao nguyên Deccan và chảy vào vịnh Bengal, dòng sông Cauvery từng đem lại nguồn sống cho hàng triệu người ở 2 bang Karnataka và Tamil Nadu thuộc miền nam Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều khúc sông hiện khô cạn trơ đáy do đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 140 năm qua, trong khi nước tại nhiều khu vực khác ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được đã khiến ruộng đồng chết khô, đẩy người dân vào cảnh túng quẫn. Mùa màng thất bát, nợ nần chồng chất nên nhiều nông dân đã tìm đến cái chết khiến gia đình họ lâm vào cảnh khốn cùng hơn.
 
Theo Đài Channel NewsAsia, khoảng 350 nông dân tại Tamil Nadu đã tự tử trong vài tháng qua. Trường hợp mới nhất là một nông dân 52 tuổi tên Vijayakumar ở Tamil Nadu treo cổ trên một cành cây gần cánh đồng từng là nguồn thu nhập chính của gia đình. “Ông ấy cứ than nhà thiếu nợ nhiều quá và lo đời con sẽ phải trả nợ tiếp”, vợ nạn nhân đau buồn kể lại. Vijayakumar đã mượn tiền làm đám cưới cho con gái và mua phân bón nhưng lúa đều chết vì khô hạn. Bà than không biết kiếm đâu ra tiền để trả vì các khoản nợ vẫn còn đó. Chuyên gia Rajendra Singh cho biết nhiều người dân sống xung quanh dòng sông Cauvery đã mất niềm tin vào cuộc sống nên tự sát hoặc bỏ nhà lên thành phố vì thậm chí lương thực và nước sạch cũng không còn.
 
Bi kịch từ dòng sông chết ở Ấn Độ
Hạn hán tại bang Tamil Nadu ở Ấn Độ - ảnh: REUTERS
 
Theo truyền thông Ấn Độ, những cánh rừng bạt ngàn ven dòng sông dài 800 km giờ đây bị tàn phá đến mức gần như không còn gì, khiến nguồn nước cạn kiệt, gây sạt lở và giảm lượng mưa. Nhà nghiên cứu về môi trường Piyush Manush cho rằng tình trạng khai thác bô xít bừa bãi từ vùng đồi núi Servarayan đã dẫn đến thảm họa môi trường cho cả khu vực. “Nếu vùng này không bị đào bới thì bô xít cùng các khoáng sản khác đóng vai trò như lớp xốp tích trữ và xả nước từ từ. Nhưng giờ chúng đã không còn nữa”, ông phân tích.
 
Bên cạnh đó, tờ The New Indian Express ngày 26.7 dẫn nghiên cứu của Đại học Mysore ở Ấn Độ cảnh báo thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng do xả thải từ hoạt động khai khoáng và các nguồn nước thải chưa qua xử lý vào sông Cauvery. Các mẫu nước lấy tại nhiều nơi ở bang Karnataka cho thấy hàm lượng kim loại nặng như chì, cadimi, magie… đều ở mức báo động. Cơ quan kiểm soát ô nhiễm bang Karnataka cũng cảnh báo chất thải công nghiệp và đô thị khiến tình trạng ô nhiễm sông Cauvery gia tăng liên tục trong những năm qua.
 
Ở một góc độ khác, chuyên gia môi trường nổi tiếng của Ấn Độ Vandana Shiva cho rằng kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm kết nối mạng lưới các sông hồ và xây đập chuyển dòng cũng là một trong những nguyên nhân gây hại. “Khi bị chuyển dòng đến đô thị và khu công nghiệp thì tất cả các dòng sông sẽ chết”, bà khẳng định.
 
Bi kịch từ dòng sông chết ở Ấn Độ
Một đoạn sông Cauvery cạn trơ đáy- ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CHANNEL NEWSASIA
 
Không chỉ sông Cauvery mà sông Hằng, một trong những con sông nổi tiếng nhất thế giới gắn liền với sự phát triển và đời sống tâm linh của Ấn Độ, cũng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, hóa chất. Theo Reuters, có đến 4.800 triệu lít nước thải được đổ trực tiếp xuống dòng sông này mỗi ngày nhưng chưa đầy 1/4 trong số đó qua khâu xử lý. Nhiều đoạn, nước sông chuyển sang màu đỏ đục và có lớp váng bọt nổi lềnh bềnh.
 
Hồi giữa tháng 7, Tòa án Xanh quốc gia Ấn Độ, được thành lập năm 2010 nhằm giải quyết các vấn đề nóng bỏng liên quan đến môi trường, đã ban hành lệnh cấm đổ rác và xả mọi loại chất thải trong khu vực 500 m tính từ bờ sông Hằng và các nhánh phụ lưu đoạn từ TP.Haridwar (bang Uttarakhand) đến TP.Unnao (bang Uttar Pradesh) dài 500 km. Bên cạnh đó, những dự án và hoạt động phát triển công nghiệp nằm trong khu vực cách 100 m tính từ bờ sông cũng bị cấm nhằm tạo ra một “vùng đệm xanh” dọc theo con sông, theo tờ Hindustan Times.
Theo Khánh An/TNO