(Tin Môi Trường) - Nước lũ đang đổ về đồng bằng sông Cửu Long với cường suất lớn hơn nhiều năm trước, dự báo đạt đỉnh mức báo động 2-3.
Lũ bắt đầu tràn đồng ở đầu nguồn sông Cửu Long. Ảnh: Hoà Bình.
Theo Đài khí tượng thủy văn các địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 24/7 đạt 2,63 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 2,27 m; cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,3 đến 0,7 m…
Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho biết, nước lũ đã về gần 10 ngày qua và lên khá nhanh. Tại khu vực đầu nguồn mỗi ngày mực nước tăng 10 cm, vùng nội Đồng Tháp Mười lên 6-8 cm.
"Năm nay khả năng xảy ra lũ khá lớn. Một số vùng thấp trũng ở Đồng Tháp Mười, đầu nguồn cần nhanh chóng thu hoạch lúa, hoa màu; huy động lực lượng gia cố đê bao, cống bọng và ứng trực để ứng phó với diễn biến của lũ", ông Bình khuyến cáo.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo trong 5 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên. Đến ngày 29/7, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,85 m; tại Châu Đốc đạt 2,47 m. Đỉnh lũ diễn ra vào nửa đầu tháng 10 ở mức báo động 2-3; tương đương 4-4,5 m trên sông Tiền và 3,5-4 m trên sông Hậu.
Các địa phương đầu nguồn ở miền Tây đang tập trung các biện pháp ứng phó với lũ lớn, bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng người dân.
Tỉnh An Giang đang đầu tư hơn 400 tỷ đồng nạo vét kênh mương, gia cố đê bao bảo vệ vùng sản xuất lúa, hoa màu của người dân. Đề phòng lũ lớn, địa phương kiên quyết không cho người dân xuống giống lúa vụ 3 ngoài vùng có đê bao. Đồng thời, An Giang triển khai dự án giúp các hộ nghèo hạn chế tác động tiêu cực của lũ lụt.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút di dời các hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm vào nơi an toàn và chủ động điều tiết sản xuất. Tỉnh cũng phân công lực lượng tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý những đoạn đê bao bị lũ uy hiếp...
Sau cơn lũ lịch sử năm 2000 gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ cho người dân miền Tây. Đến nay, có hơn 200.000 hộ (khoảng một triệu nhân khẩu) vùng ngập lũ vào sống.
Nhờ chương trình này đã giảm thiểu những thiệt hại về người và của trong các mùa lũ. Riêng đợt lũ lớn năm 2011 thiệt hại giảm xuống mức chưa đến 15% so với cơn lũ năm 2000…