(Tin Môi Trường) - Các nhà khoa học chia sẻ nhận định này tại tọa đàm về khai thác, sử dụng khoáng sản titan-zircon của Bình Thuận, tổ chức sáng 8-7 ở TP Phan Thiết.
Khai thác titan ở Bình Thuận - Ảnh: DƯƠNG ANH THƠ
Nhiều vấn đề, bất cập trong khai thác titan ở Bình Thuận đã được chỉ ra tại buổi tọa đàm về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng titan đến năm 2020, xét tới 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013.
5,9 triệu tấn titan, trị giá 138 tỉ USD là con số ảo
Hầu hết ý kiến đều cho rằng đầu vào cho việc lập quy hoạch không chính xác cả về trữ lượng và đánh giá, nhận định về “sức mạnh kinh tế” do titan mang lại là phi thực tế.
Chưa hết, theo các nhà khoa học, việc khai thác titan dọc ven biển rất dễ xảy ra sự cố môi trường.
GS Đặng Trung Thuận (Trung tâm Con người và thiên nhiên - đơn vị đồng tổ chức tọa đàm) cho rằng trữ lượng titan do Bộ Tài nguyên môi trường công bố so với con số đưa ra của các nhà khoa học chênh lệch rất nhiều.
“Trữ lượng titan của Bình Thuận là 5,9 triệu tấn, mang lại giá trị hơn 138 tỉ USD là con số ảo, như đếm cua trong lỗ, gây hiểu nhầm” - GS Thuận nói thẳng.
Cũng theo GS này, để lấy được quặng titan phải đào sâu dẫn đến phá hủy môi trường, trong đó quan trọng nhất là làm cạn kiệt thêm tài nguyên nước.
Đồng tình quan điểm trên, TS Phạm Quang Tú (Liên minh Khoáng sản) cũng nhìn nhận và đánh giá rằng đang có sự “ảo tưởng về nguồn khoáng sản titan” vì trước đây từng có lãnh đạo Bộ TN-MT kỳ vọng rằng khoáng sản titan sẽ “cứu” nền kinh tế, là nguồn khoáng sản thay thế dầu mỏ đang cạn kiệt.
“Nhưng qua thực tế các mỏ titan được khai thác hiện nay, chúng ta đã thấy mặt hại của nó” - TS Tú nói.
Nhiều ý kiến đã nói thẳng việc ảo tưởng về titan ở Bình Thuận là hậu quả cách làm quy hoạch “không giống ai” của Việt Nam. TS Lê Ái Thụ (Tổng hội Địa chất VN) chỉ ra sự thất bại do quy hoạch sai, ảo tưởng về trữ lượng từng xảy ra với gang thép Thái Nguyên, mỏ sắt ở Hà Tĩnh.
“Hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng giờ thành đống sắt vụn” - TS Thụ chua chát nói.
TS Lê Ái Thụ: "Làm quy hoạch tại Việt Nam không giống ai" - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Khai thác titan đẩy du lịch vào thế ngổn ngang
Các ý kiến tại buổi tọa đàm đã phân tích sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận của ngành khai thác khoáng sản để thấy rõ sự bất cập. Cụ thể trong những năm qua, ngành này chỉ đóng góp 0,5-1% cho GDP Bình Thuận, trong khi ngành du lịch đóng góp gần 10%.
Ông Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển) khẳng định khai thác titan đang cản trở lớn đến phát triển du lịch ở địa phương này, vì vậy ông lưu ý phải cân nhắc kỹ hơn, cái nào có lợi thì thực hiện.
Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Bình Thuận cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quy hoạch, khai thác titan tại tỉnh này. Tỉnh đang có 33 dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch nằm trong quy hoạch trên, với tổng diện tích chồng lấn lên đến hơn 4.500ha.
Ông Phạm Văn Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết hiện nay các dự án nằm trong vùng chồng lấn chưa thể triển khai, gây bức xúc cho nhà đầu tư.
“Do quy hoạch khoáng sản thiếu cơ sở khoa học nên đẩy ngành du lịch vào thế ngổn ngang” - GS Thuận nói và dẫn việc hàng loạt khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng ở đây bị bỏ hoang khi ý định làm cảng Kê Gà để vận chuyển bôxit bị bỏ.
“Tôi đề nghị chuyển Bình Thuận từ trung tâm khai khoáng titan thành trung tâm du lịch, năng lượng sạch” - một đại biểu đề xuất.
Sau khi nghe các ý kiến nhiều chiều, TS Phạm Quang Tú khẳng định quy hoạch khai thác titan tại Bình Thuận đã làm trái với Luật khoáng sản và đề nghị không nên khai thác titan dọc biển Bình Thuận.
Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận) đồng tình và đề nghị xem xét lại quy hoạch để tránh hậu quả môi trường về sau.
Các mỏ khai thác titan đều sai phạm
Theo ông Nguyễn Văn Tám - nguyên trưởng phòng khoáng sản Sở TN-MT Bình Thuận, hiện nay các mỏ khai thác titan tại địa phương thực hiện không đúng quy định và lách luật. Ông Tám cho rằng khi quy hoạch khai thác, các bộ chỉ căn cứ trữ lượng trên con số do bộ phận tham mưu trình lên mà không ghi nhận thực tế.
Chưa hết, có những mỏ đã được duyệt đóng cửa, cây cối không mọc được nhưng vẫn được nghiệm thu. “Vỡ hồ titan xong thì rút kinh nghiệm. Tới thời điểm hiện tại, không có mỏ nào có hồ chứa nước. Khi thanh tra thì đùn đẩy lẫn nhau” - ông Tám bức xúc.
Titan là tài nguyên hữu hạn, khai thác là hết và ảnh hưởng lớn đến môi trường, chồng chéo đến phát triển các ngành kinh tế khác. - Ông Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển)