Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Bí quyết giúp bê tông La Mã trụ vững 2.000 năm trước thủy triều
(18:24:27 PM 07/07/2017)
(Tin Môi Trường) - Người La Mã tận dụng sự khoáng hóa để tạo ra loại bê tông chống lại tác động từ thủy triều.
Các nhà nghiên cứu lấy lõi bê tông bến tàu cổ đại để khám phá kỹ thuật của La Mã. Ảnh: J.P. OLeson.
Các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu đăng trên tạp chí American Mineralogist cho biết sự khoáng hóa giúp bến tàu 2000 năm của La Mã tồn tại đến ngày nay, Telegraph ngày 3/7 đưa tin.
Các kỹ sư hiện đại phải ngả mũ thán phục sức mạnh tồn tại qua hai thiên niên kỷ của công trình cảng bê tông của La Mã, khi những con đê biển bê tông cốt thép hiện đại đã xuống cấp và hư hỏng chỉ sau vài thập kỷ.
Theo đội nghiên cứu, các kỹ sư La Mã trộn tro núi lửa, đá vôi và nước biển để tạo hồ trước khi thêm đá núi lửa để sản xuất bê tông. Sự kết hợp này tạo ra phản ứng puzolan, kích thích tinh thể hình thành trong khoảng trống của hỗn hợp, tạo nên lực liên kết vững chắc. Người La Mã có thể lấy ý tưởng này từ loại xi măng tự nhiên được tìm thấy rải rác quanh khu vực núi lửa.
Dùng chùm tia X năng lượng cao để nghiên cứu lõi bê tông từ bến tàu của Portus Cosanus ở Orbetello, Italy, các nhà khoa học phát hiện sự hình thành của khoáng chất nơi bị xói mòn do thủy triều. Đặc điểm này chứng minh phản ứng với nước biển tiếp tục diễn ra sau đó.
"Chúng ta đang nhìn vào một hệ thống trái ngược với công thức bê tông sử dụng xi măng", Marie Jackson, giáo sư nghiên cứu địa vật lý và địa chất học tại Đại học Utah, dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nói. "Chúng ta thấy một hệ thống vững chắc hơn nhờ trao đổi hóa chất trong nước biển".
Đội nghiên cứu hợp tác với các kỹ sư địa chất học để tìm công thức thay thế do cách thức sản xuất bê tông của La Mã đã thất truyền. Nếu họ thành công, các đê biển tồn tại trong hàng thế kỷ có thể được dựng lên và lượng khí thải CO2 trong sản xuất xi măng hiện đại có thể giảm xuống.