(Tin Môi Trường) - Nhờ nuôi trồng trong môi trường sạch, an toàn, rong nho Khánh Hòa cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Rong nho có màu xanh tươi với những quả nhỏ tròn căng bóng mịn kết lại thành chùm dài, vị mặn kết hợp vị chua thanh nhẹ mà giòn mát. Theo phân tích của Viện hóa hữu cơ và Viện sinh biển Viễn Đông năm 2006, rong nho có chứa nhiều dưỡng chất, vitamin (A, C) và có khả năng giúp phòng chống xương khớp, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Hương vị cùng giá trị dinh dưỡng giúp rong nho được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Rong Nho là thực phẩm quý và bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Ảnh: Bizmedia.
Loại rong này thích hợp với môi trường sống ở vùng biển ấm và có độ mặn cao như vùng biển Thái Bình Dương, đặc biệt phân bố nhiều ở Philippines. Tại Nhật Bản, rong nho được nuôi trồng tại vùng biển Okinawa theo phương pháp trồng tiếp đáy, treo lơ lửng trong nước biển hoặc các bể, hồ xi măng chứa nước biển. Tuy nhiên, các phương pháp này cho năng suất rong nho thấp, chỉ khoảng 10 tấn một ha mỗi năm và chiều dài cọng rong chỉ đạt 6-7cm.
Tại Việt Nam, năm 2004, từ 200gram rong nho giống mang về Nhật, anh Lê Bền ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa - Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín đã tiến hành nuôi trồng rong thử nghiệm trong các đìa tôm sú bỏ hoang. Qua thời gian nghiên cứu, rút kinh nghiệm, năm 2007, anh Bền đã tìm ra cách nuôi mới cải tiến từ phương pháp của người Nhật. Cách làm này không chỉ cho năng suất cao hơn mà chất lượng tốt nên sản phẩm xuất khẩu trở lại Nhật Bản.
Cụ thể, anh Bền nuôi rong trong những khay nhựa, đáy có lót ni lông để chứa mùn cát và chất dinh dưỡng, rồi chúng được đặt trên kệ hoặc sạp đóng bằng tre, gỗ, gạch, đá nằm chìm dưới đáy ao nuôi.
Nước trồng rong nho phải được xử lý và lọc sạch để loại bỏ các kim loại nặng, vi sinh vật có hại, vi khuẩn gây bệnh... Bên trên ao nuôi sử dụng lưới tạo mái che nhằm chủ động điều tiết ánh sáng và nhiệt độ của nước biển.
Phương pháp này giúp rong nho có thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách tốt nhất, ít lẫn có tạp chất và năng suất thu hoạch đạt tới 20 tấn một ha mỗi năm và chiều dài có thể đạt 9-10cm. Đồng thời, thời gian thu hoạch rong ngắn chỉ trong vòng 15-20 ngày một vụ.
Theo anh Bền, để rong nho đủ tiêu chuẩn đi Nhật, không chỉ khâu nuôi trồng, quy trình chế biến rong nho cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm HACCP với 4 công đoạn công phu. Ngay sau khi thu hoạch, rong được làm sạch cơ học trong các bể nước biển đã qua lọc và khử trùng bằng Ozone. Công đoạn này giúp rong sạch tạp chất và loại bỏ được hết các sinh vật lạ bám dính trên cọng rong, đồng thời, rong được phân loại luôn theo độ dài.
Rong nho được làm sạch cơ học bằng nước biển đã được xử lý. Ảnh: Bizmedia.
Tiếp theo, rong nho sẽ được nuôi lại trong các bể nhựa ở điều kiện lý tưởng. Trong giai đoạn này, rong vẫn sống, hấp thụ thêm các dưỡng chất, các nguyên tố đa lượng, vi lượng đồng thời giải phóng các kim loại nặng độc hại nếu có. Theo anh Bền, đây cũng là giai đoạn để các vết cắt tự "làm lành", nhờ đó quá trình bảo quản sản phẩm đảm bảo hơn. Sau đó, rong được đưa vào làm ráo nước bằng máy ly tâm và đóng gói sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Phương pháp trồng cải tiến này được áp dụng rộng rãi và diện tích trồng rong nho tiếp tục mở rộng hơn 300 ha tại các huyện Cam Lâm, Cam Ranh và Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.