(Tin Môi Trường) - Dưa gang Tây rất dễ trồng. Nếu thấy cây đã vươn ngọn thì bạn hãy làm nhanh 1 cái giàn để dưa leo kẻo nó bò lung tung. Khi cây đã lên giàn, thời gian có được những “đàn quả” căng mọng, ngon mắt sẽ nhanh thôi.
Cây dưa gang Tây-loại quả cây trồng du nhập vào Việt Nam hơn 2 thế kỷ, nhưng hiện rất ít địa phương trồng đại trà. Ảnh: Phạm Thị Bích Liễu.
Gia đình chị Cẩm Vân, xã Xuân Bản, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai hiện đang sở hữu 1 giàn dưa gang Tây rất sai trái. Chị cho biết, cách đây 6 tháng, chị xin 1 dây dưa gang Tây của người quen và đem về giâm trước cổng nhà. Cây mọc rất nhanh, quay qua quay lại tầm gần 2 tháng là đã kín giàn và thêm dăm hôm nữa là bật nở những bông hoa rất to, màu tím trông rất hấp dẫn. Cánh hoa như những sợi chỉ tím, khum khum ôm nâng niu lấy nhụy hoa phía trong.
Giàn dưa gang tây của gia đình chị Cẩm Vân. Ảnh: NVCC.
Nhiều người trồng giàn dưa gang Tây chia sẻ, buổi sáng sớm, mở cửa ra đầu ngõ, lồng ngực đã đầy ăm ắp mùi hương thơm nồng đặc biệt, đáng yêu của loài hoa tím tím này. Cảm xúc lâng lâng mà mùi hương hoa dưa gang Tây mang lại thư thái, suốt cả ngày, có bị mẹ mắng oan cũng chẳng giận. Mùi thơm ấy ngan ngát, dễ chịu, mát lòng không giống như bất cứ 1 loài hoa nào, không thể kể ra cho bất cứ cho người khác hiểu được mà chỉ có thể tự cảm nhận.
Chị Cẩm Vân cho biết, trồng dưa gang Tây rất dễ, nhưng để cây đậu quả thì người trồng phải thụ phấn bằng tay. Ảnh: Internet.
Và chỉ sau nửa tháng, những trái dưa gang Tây sẽ buông giàn treo lủng lẳng ở phía dưới, Trái nào trái nấy căng mọng, ai nhìn cũng “no con mắt”. Theo chị Cẩm Vân, không giống nhiều loại cây trái khác, muốn có những quả dưa gang Tây để thưởng thức thì người trồng phải tự tay thụ phấn thủ công. Có người ví, bông hoa dưa gang Tây nếu không được chủ nhà thụ phấn thì nó sẽ buồn rầu, sầu héo khô rũ trên cây như 1 nàng thiếu nữ thất tình thật đáng tội nghiệp.
Trái dưa gang Tây thì ngon, hấp dẫn khỏi phải chê. Chờ nó chín mõm, cắt xuống trộn đường đập đá ăn lạnh thì tuyệt cú mèo. Ngon và thơm hơn dưa gang thông thường. Nhất là những cái hột nhỏ bé của dưa gang Tây. Bạn cứ thử xúc 1 miếng đưa lên miệng và cứ ngậm 1 lát mà lắng nghe cái vị của hạt…Ảnh: NVCC.
Chị Cẩm Vân cho biết, phần thịt trái dưa gang Tây khi chưa chín có thể dùng để nấu canh ăn giống đu đủ. Trái đã chín thì dùng thịt quả nhầy như keo, bở như dưa bở, màu trắng hơi chua và dịu, mùi dễ chịu, bao bọc các hạt nằm ở phía giữa của quả.
Thịt quả lẫn hạt dưa gang Tây khi chín có thêm đường vào rồi trộn đều kiểu sinh tố, dùng ăn rất ngon được nhiều người ưa thích. Ảnh: NVCC.
Theo từ điển y dược Việt Nam, bên cạnh dùng trái nấu canh, làm sinh tố thì rễ tươi cây dưa gang Tây được dùng như 1 loại thuốc gây ngủ mạnh và được xem như là độc. Lá cũng độc vì chứa acid cyanhydric. Theo một số người trồng dưa gang Tây, loài cây này có cái dở ở chỗ là ra trái nhiều ít khó lường trước, không chắc có nhiều trái, và trái đậu thì to nhỏ nhiều cỡ, hay bị đèo (dị dạng), dễ bị thối, bị rụng. Vì thế ít người trồng, và vì vậy, cũng ít phổ biến mặc dù trồng rất dễ.
Dưa gang tây hiện nay chỉ trồng nhiều ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh...Ảnh: PNtoday.
Chị Cẩm Vân cho hay, mặc dù cây dưa gang Tây vừa có thể trồng làm bóng mát, vừa cho trái ăn ngon, nhưng ở địa phương của chị chưa thấy hộ nào trồng nhiều với diện tích lớn để bán. “Tôi xuống Biên Hòa hay về Sài Gòn vẫn thấy có quầy bán trái dưa gang Tây, không biết họ mua ở đâu về bán. Chổ tôi thỉnh thoảng ra chợ cũng thấy có bán dưa gang Tây với giá 10.000 đồng/ký...”.
Dưa gang Tây đã chín được gia đình chị Cẩm Vân thu hái. Ảnh: NVCC.
Về kỹ thuật chăm sóc: Dưa gang Tây chăm sóc như cây chanh dây. Cây ưa phân chuồng ủ hoai mục khi đặt giâm cành. Khi dây bò lên kín giàn có thể bón 1 lượng phù hợp phân N-P-K kèm bổ sung phân chuồng ủ hoai mục. Nếu cây không đủ chất dinh dưỡng thì tỷ lệ đậu quả rất thấp. Nếu có đậu quả thì quả chỉ lớn 1 thời gian ngắn rồi teo, co ngót lại với hình thù không được bắt mắt. Để cây phát triển tốt, khi ủ phân chuồng hoai mục, người trồng có thể bổ sung 1 lượng tro bếp và vôi bột để tăng thêm phần khỏe mạnh cho dưa gang Tây trong thời kỳ ra hoa, đậu quả.
Trồng dưa gang tây ở Phú Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Huyền Băng.
Dưa gang Tây thuộc Bộ Sơ ri; họ Lạc tiên; tên khác: Chùm hoa dưa, Lạc tiên bốn cạnh. Tên khoa học: Passiflora Quadrangularis L. Theo dược sỹ Trần Việt Hưng (Australia), dưa gang tây có nguồn gốc tại vùng nhiệt đới Trung Mỹ.
Cây được trồng tại Barbados từ 1750 và sau đó tại nhiều đảo trong khu vực Bermuda. Cây rất phổ biến tại Mexico, Brazil và Peru. Cây được đưa sang vùng Ðông Nam Á: vào Mã Lai và Việt Nam có lẽ vào thế kỷ 18 (cây chỉ được trồng và phát triển tại các tỉnh miền Nam Việt Nam) Tại Australia, cây được trồng nhiều trong vùng Queensland.