(Tin Môi Trường) - Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn, chất rắn xuống biển cạnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau đe dọa nghiêm trọng đến khu bảo tồn này
Ngày 29-6, trao đổi với phóng viên, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết với trách nhiệm của địa phương, tỉnh sẽ có cuộc họp tham vấn để đánh giá khách quan tác động đến môi trường biển trước việc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhấn chìm chất rắn xuống vùng biển cạnh Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong).
Hệ sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau khó tránh bị ảnh hưởng trước quyết định cho phép nhấn chìm bùn, chất rắnẢnh: Lê Trường
Cho thực hiện… cấp tốc
Theo giấy phép của Bộ TN-MT, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhấn chìm xuống biển trên 918.000 m3 chất rắn, gồm bùn (trên 180.000 m3 bùn), cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát đá phong hóa… đã thu khi nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Khu vực đổ bùn, đất có diện tích 30 ha, cách Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau 8 km. Bộ TN-MT khẳng định việc cho phép này tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, các chất được phép nhận chìm thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển theo Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, không phải là chất thải từ hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Thành phần vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Cũng theo Bộ TN-MT, việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Trường hợp một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào vượt giá trị giới hạn quy định thì Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm, chỉ được phép tiếp tục thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ TN-MT chấp thuận. Công ty này cũng đã cam kết trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại do sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ và hoạt động nhận chìm ở biển gây ra.
Điều khiến dư luận lo lắng là việc đổ bùn đất ra biển được Bộ TN-MT cho phép Điện lực Vĩnh Tân thực hiện… cấp tốc từ tháng 7 đến hết tháng 10-2017. Như vậy, liệu tỉnh Bình Thuận có kịp chuẩn bị để thực hiện các biện pháp giám sát?
Các doanh nghiệp nuôi tôm giống và nông dân nuôi trồng thủy sản ở vùng Phước Thể, Vĩnh Tân đang rất lo ngại nếu xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển từ việc đổ thải nạo vét thì mọi chuyện coi như đã rồi. Bởi lẽ, lúc đó Điện lực Vĩnh Tân có ngừng đổ thải nạo vét thì thiệt hại bà con đã gánh chịu.
Không thể bù đắp mất mát
TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - cho biết Khu Bảo tồn biển Hòn Cau là vùng nước trồi, là vùng biển có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học. Việc đổ bùn thải gần khu bảo tồn biển như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nguy cơ hư hại toàn bộ đa dạng sinh học, phá đi nền tảng, xương sống để phát triển kinh tế biển.
Theo TS An, nguồn lợi thu được từ các nhà máy nhiệt điện không thể nào bù đắp được sự mất mát ấy. "Những người làm khoa học rất lo lắng trước rất nhiều vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học của cả một vùng biển đang bị đe dọa vì đây là vùng nước trồi rất quan trọng của Việt Nam" - ông phản đối.
Ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người từng phản đối mạnh mẽ dự án nhà máy thép Posco tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) vì lo ngại ô nhiễm môi trường - tỏ ra bất ngờ về việc Bộ TN-MT cấp phép cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm bùn đất xuống biển Bình Thuận. "Đã là xây dựng khu bảo tồn biển thì phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được xâm phạm, không được đổ vào cũng không được đào đi. Nếu nhà máy đổ cả triệu mét khối bùn gần sát khu bảo tồn như vậy thì còn gì khu bảo tồn?" - ông Chi lo ngại.
Theo ông Chi, các nhà máy nhiệt điện thường đặt sát biển để thuận lợi cho việc vận chuyển than làm nguyên liệu đốt. Về lâu dài, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có công suất 1.200 MW, nếu chạy 10 năm sẽ hình thành một núi bã than dài cả cây số, rộng nửa cây số, cao 15 m. Mỗi ngày, nhà máy này sẽ tiêu thụ khoảng 30.000 tấn ôxy. Đó là chưa tính đến tác hại về axít lưu huỳnh, phốt pho trong không khí...
"Ô nhiễm môi trường sẽ rất lớn. Nếu tính lợi ích kinh tế thì những mất mát môi trường lớn hơn nhiều. Tôi đang kiến nghị Chính phủ nên ưu tiên điện gió và mặt trời, hạn chế nhiệt điện. Không phải vì thiếu điện mà phá hoại môi trường, sau này có muốn khắc phục cũng không nổi đâu!" - ông Chi bày tỏ.
Vì sao không đổ trên đất liền?
Giải thích lý do không đổ bùn, chất rắn trên đất liền (dự kiến ban đầu ở huyện Tuy Phong) mà cho đổ xuống biển, Bộ TN-MT giải thích: "Vật, chất được phép nhận chìm không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn, trong khi địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để lưu giữ, xử lý".
Theo Bộ TN-MT, việc đổ các chất này trên đất liền sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và vùng lân cận.