(Tin Môi Trường) - Thông tin trên được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức sáng 25/6
Toàn cảnh Hội nghị Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và Phát triển
Cũng tại Hội nghị này, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74,37 tỉ đồng (gấp hơn 2 lần so với Hội nghị ngày 4/6/2016), đồng thời cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ với tổng đầu tư dự kiến 134.790 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng giới thiệu danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư trong năm 2017 gồm 17 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP với tổng số vốn lên đến 802.700 tỉ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỉ đồng.
Những con số ấn tượng trên là minh chứng cho thấy “Hà Nội ngày càng năng động, hấp dẫn hơn” như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định.
Những nỗ lực, cố gắng của Thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ghi nhận. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỉ đồng…
“Một năm qua, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2016 đến Quý II/2017
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 4,33 triệu người ở khu vực nông thôn, Thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn thay vì sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư như trước đây.
Đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư trong lĩnh vực này. Tính đến nay, Thành phố đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án nước sạch với tổng mức đầu tư hơn 9,6 nghìn tỷ đồng.
Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016; sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch.
Đáng chú ý, tháng 3.2017, TP.Hà Nội đã khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sau hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nguồn nước sạch, có thể uống ngay tại vòi nhà máy cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện Hà Nội.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước và nước sạch là một trong những lĩnh vực được Thành phố Hà Nội ưu tiên.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ “Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Hợp tác và phát triển”.
Cảm nhận những đột phá trong chính sách thu hút đầu tư của Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, ngoài những chỉ số chung về môi trường kinh doanh, thời gian qua Hà Nội còn có những cải thiện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực cụ thể.
“Một môi trường kinh doanh tốt không chỉ là những thông điệp, mô hình hoành tráng mà nhiều khi thể hiện ở những điều rất giản dị, cụ thể như đăng ký thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế dễ dàng”, ông Lộc bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến của ông Lộc, bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước AquaOne (đơn vị đang đầu tư Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống) chia sẻ: “Khó tìm thấy ở nơi nào mà lãnh đạo cao cấp của thành phố luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; Gỡ rối, giải quyết những thắc mắc, khó khăn ngay ngay tại thời điểm chúng tôi đề xuất một cách quyết liệt như Hà Nội. Qua đó giúp công việc của chúng tôi chạy rất nhanh. Đặc biệt dự án của chúng tôi trong vòng vài tháng, 62 ha được giải phóng mặt bằng, đền bù và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của bà con”.
Theo bà Liên, dự án Nước mặt Sông Đuống ban đầu dự kiến phát nước là 22 tháng, nhưng với sự vào cuộc và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo TP.Hà Nội, dự án rút ngắn thời gian phát nước xuống còn 18 tháng.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Công ty CP nước AquaOne ký kết Bản ghi nhớ về “Ý định hợp tác chiến lược đầu tư dự án phát triển hạ tầng nước sạch Thành phố Hà Nội” giữa Thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần nước AquaOne để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến của Châu Âu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Được biết, từ kết quả khả quan ban đầu của Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, bà Đỗ Thị Kim Liên cùng thành phố Hà Nội tiếp tục ký kết Bản ghi nhớ về “Ý định hợp tác đầu tư dự án phát triển hạ tầng nước sạch Thành phố Hà Nội để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến của Châu Âu tại Xuân Mai với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố Hà Nội sẽ “Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Hợp tác và phát triển”. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền Thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cam kết: "Chúng tôi muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất có thể để các bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi". Tuy nhiên, Hà Nội xác định không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có sự chọn lọc với những định hướng cụ thể, tập trung vào những dự án hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong năm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2017-2020, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, tập trung trong năm lĩnh vực là: môi trường, nước sạch, y tế - giáo dục, giao thông, công viên - khu vui chơi giải trí; hướng tới xây dựng thành phố thông minh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung. Do đó, danh mục các dự án giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp lần này tiếp tục là các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực Hà Nội ưu tiên.