Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chanh leo, chuối, thanh long là "gà đẻ trứng vàng" cho bầu Đức?

(17:25:42 PM 26/06/2017)
(Tin Môi Trường) - Cây ăn trái được cho là "gà đẻ trứng vàng" cho Hoàng Anh Gia Lai, ít nhất trong ngắn hạn. Song con số doanh thu hàng nghìn tỷ có thực hiện được hay không vẫn cần thời gian trả lời.

Ngày 21/6, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL-HAG) đã công bố nghị quyết của hội đồng quản trị về việc thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 với doanh thu dự kiến đạt 6.335 tỷ đồng và 2.185 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Mục tiêu đặt ra với lãi trước thuế là 552 tỷ đồng và HAGL tiếp tục không chia cổ tức.  

 
Chanh leo, chuối, thanh long là "gà đẻ trứng vàng" cho bầu Đức?
Sau khi bán mảng mía đường thì Hoàng Anh Gia Lai sẽ tập trung vào việc trồng trái cây. Ảnh: HAGL.
 
Dự thu nghìn tỷ từ chanh leo, thanh long, chuối
 
Năm 2016, HAGL lỗ hơn 1.500 tỷ đồng. Do đó, một số ý kiến cho rằng kế hoạch đặt ra cho năm 2017 của doanh nghiệp này là tươi sáng.
 
Điểm mới trong chiến lược kinh doanh của HAGL năm 2017 là công ty sẽ cung ứng trái cây có nguồn gốc từ Việt Nam, Lào và Campuchia để xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2017, HAGL vẫn định hướng sẽ tập trung vào các ngành nghề cốt lõi như chăn nuôi bò, thu hoạch mủ cao su, cọ dầu. 
 
Trước đó, thua lỗ và nợ vay lớn nên HAGL đã thực hiện đề án tái cấu trúc. Doanh nghiệp phải bán các dự án mía đường, nhà máy thủy điện đồng thời được các tổ chức tín dụng gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi.
 
HAGL cho biết việc trồng cây ăn trái là nhằm tận dụng quỹ đất còn dôi dư để trồng một số loại cây có giá trị cao hơn và thời gian đưa vào thu hoạch ngắn hơn. Dự kiến trong năm 2017, công ty cũng sẽ có được nguồn thu khả quan từ thanh long, chuối và chanh leo. 
 
Theo kế hoạch, doanh thu của HAGL trong năm nay sẽ đến chủ yếu từ mủ cao su, bò thịt, trái cây, dự án ở Myanmar.
 
Doanh thu từ mủ cao su dự kiến 745 tỷ đồng, từ bò thịt là 1.240 tỷ đồng, trái cây là hơn 2.570 tỷ đồng. HAGL dự định "hái" 1.050 tỷ đồng từ chanh leo, 843 tỷ từ chuối và 680 tỷ đồng từ thanh long.
 
Riêng với bất động sản tại Myanmar, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức dự kiến cho thuê trung tâm thương mại giai đoạn 1 và thu về khoảng 1.142 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ, xây dựng, bán hàng và bán căn hộ khoảng 630 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đang chuyển nhượng dự án thủy điện Nậm Kông 2, tìm kiếm đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 3 tại Lào.
 
Cơ cấu doanh thu dự kiến năm 2017 của HAGL cho thấy đơn vị này tập trung 4 mảng kinh doanh chính nhưng doanh thu, lợi nhuận gộp về chủ yếu tập trung ở mảng trái cây và dự án bất động sản tại Myanmar.
 
Về mủ cao su, HAGL dự kiến  sẽ thu về lợi nhuận gộp 202 tỷ đồng khi khai thác 18.000 tấn. Hiện, HAGL có 48.000 ha cao su nhưng chỉ khai thác được 11.000 ha, điểm rơi khai thác chủ yếu rơi vào giai đoạn 2020-2022. Giá cao su thế giới có đi lên so với các năm trước nhưng vẫn đứng ở mức thấp và biên lợi nhuận không nhiều. 
 
Mảng chăn nuôi bò thịt dự kiến đem lại doanh thu 1.240 tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận thấp, khoảng 10% do bò thịt của HAGL chưa đạt chất lượng cao nên chỉ cung cấp cho các lò mổ tại Hà Nội và TP.HCM.
 
Chính vì vậy, năm 2017, HAGL chỉ lên kế hoạch tiêu thụ bằng khoảng 1/3 con số thực tế tiêu thụ trong năm 2016, cụ thể năm ngoái tổng số bò xuất bán là 122.740 con, mang về doanh thu 3.475 tỷ đồng.
 
Dự án bất động sản tại Myanmar mặc dù được HAGL dự kiến đem lại doanh thu khoảng 1.142 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 607 tỷ đồng. Nhưng con số này chỉ khả thi nếu HAGL không rót vốn vào giai đoạn 2 của dự án và huy động được vốn từ đối tác bên ngoài. HAGL cũng tìm kiếm các đối tác nhằm chuyển nhượng dự án trong một vài năm gần đây nhưng chưa thực hiện được.
 
Chanh leo, chuối, thanh long là "gà đẻ trứng vàng" cho bầu Đức?
Doanh thu từ cây ăn quả sẽ chiếm chủ đạo trong cơ cấu doanh thu năm 2017 của Hoàng Anh Gia Lai. Đồ họa: Phương Diệp 
 

Chiến lược "lấy ngắn nuôi dài"
 
Chính vì vậy, doanh thu được đặt lên trọng tâm vào việc bán trái cây khi HAGL lập kế hoạch mảng này sẽ mang về 2.600 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng doanh thu năm 2017. Theo Chủ tịch HĐQT HAGL Đoàn Nguyên Đức, dự án này sẽ tạo ra nguồn tiền nhanh, giúp công ty "lấy ngắn nuôi dài".
 
Tuy nhiên, việc tập trung vào cây ăn trái của HAGL cũng đối mặt với một số rủi ro như hoa quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể gặp tình trạng cung - cầu mất cân đối, được mùa mất giá, được giá mất mùa, thiên tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh. Ngoài ra, trái cây cũng có thể đối mặt với các hàng rào về kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng, mậu dịch...
 
Giá thành dự kiến xuất khẩu cây ăn trái của HAGL tại Bằng Tường - Trung Quốc khá cao so với mức hiện hành của các hộ nông dân trong nước. Trong khi đó, giá nông sản thường có biến động mạnh và có thể xảy ra chuyện đối với chuỗi cung ứng như việc được giá thì bà con nông dân ồ ạt trông thêm, mở rộng diện tích.
 
Từ những lý do trên, một số chuyên gia cho rằng việc kỳ vọng quá nhiều vào cây ăn trái sẽ có những rủi ro nhất định nhưng việc HAGL trồng trái cây cũng có nhiều lợi thế và đây là phương án được cho là khả thi nhất hiện nay.
 
Đầu tiên, chi phí đầu tư vào cây ăn trái ít và thời gian thu hồi nhanh. Ngoài ra, mới đây, Thế Giới Di Động cũng "đánh tiếng" sẵn sàng nhập khẩu trái cây của HAGL để cung cấp cho chuỗi siêu thị của mình có thể khiến cho đầu ra sản phẩm được đảm bảo. 
 
Trong quá khứ, Vissan từng cố gắng bán thịt bò cho HAGL nhưng phải ngừng hợp tác vì không đạt chất lượng theo yêu cầu. Tuy nhiên, với trái cây, HAGL cho hay áp dụng tiêu chuẩn Global Gap nên kỳ vọng sẽ khác thịt bò.  
 

Lãi vay vẫn là cản trở chính 

 
Theo phân tích của giới đầu tư, lãi vay vẫn là vấn đề được nhắc đến ở HAGL. Hiện tại, công ty có hơn 26.600 tỷ đồng nợ vay. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tại đây lên đến 1,6 lần, mức khá cao xét trên phân tích kết quả kinh doanh doanh nghiệp. 
 
Số tiền phải trả lãi hàng năm của HAGL lên đến gần 2.000 tỷ. Doanh thu thấp khiến lợi nhuận 4 năm nay của doanh nghiệp cao nhất khoảng 1.000 tỷ đồng. Năm 2016, đơn vị này còn lỗ hơn 1.500 tỷ đồng. Do đó, khó khăn phải đối mặt của HAGL vẫn còn, dù kế hoạch trồng trái cây được nhận định là chiến lược tốt giúp cho ông Đoàn Nguyên Đức "lấy ngắn nuôi dài". 
 
Theo Phương Diệp/Zing