Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rau má giúp giải nhiệt, mát gan

(17:36:18 PM 25/06/2017)
(Tin Môi Trường) - Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu…

Rau má giúp giải nhiệt, mát gan

Người ta dùng rau má để chữa lành vết thương và vết loét ngoài da; dùng làm thuốc bổ thần kinh giúp cải thiện tinh thần và trí nhớ
 
Rau má (Centella asiatica) còn có tên khác là liên tiền thảo, tích tuyết thảo, thường ở những nơi râm mát, ẩm ướt, đất mùn tơi xốp tại các vùng châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam... Ngoài ra, các nước Trung và Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông cũng có rau má.
 
Rau má còn có tên là tích tuyết thảo, có thân nhẵn, mọc bò lan trên mặt đất, có rễ ở các mấu. Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, có mép khía tai bèo. Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt. Hoa mọc ở kẽ lá. Cánh hoa màu đỏ hoặc tía.
 
Rau má không chỉ là một loại rau để ăn như các gia đình Việt vẫn quen dùng, mà còn là vị thuốc phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước châu Á khác. Công dụng chữa bệnh của rau má đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu…
 
Chữa cảm nắng, say nắng: Rau má tươi 60g, hương nhu 16g, lá tre 16g, lá sắn dây 16g. Nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống nóng.
 
Giải nhiệt, mát gan: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: Các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.
 
Trẻ biếng ăn, còi cọc, đi ngoài phân sống: Rễ rau má 1 nắm to rửa sạch để cho thật ráo nước, sao khô, tán bột cho vào cháo hoặc nấu chung với bột gạo thành cháo. Có thể phối hợp bột củ mài.
 
Giải độc: (thuốc, thức ăn...). Để phòng biến cố chỉ nên sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện sớm. Rau má giã lấy nước uống. Có thể cho thêm đường phèn.
 
Thành phần hóa học chính của rau má là tricopen, saponin. Ngoài ra, còn chứa tinh dầu, các hợp chất polyacetilen, flavonoid, steroid, dầu béo, acid amin, tanin, vitamin C, alcaloid... Rau má được sử dụng trong y học hàng ngàn năm nay. Người ta dùng rau má để chữa lành vết thương và vết loét ngoài da; dùng làm thuốc bổ thần kinh giúp cải thiện tinh thần và trí nhớ, đặc biệt ở người cao tuổi; dùng để điều trị sốt và các bệnh đường hô hấp.
 
Hoạt chất bracoside A trong rau má kích thích mô sản xuất nitric oxide (NO), giúp giãn nở các tiểu động mạch và mao mạch, làm lượng máu di chuyển tới các mô được nhiều hơn; bảo vệ thành mạch, làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu. Vì vậy, rau má thường được điều trị và phòng bệnh liên quan đến thiểu năng mạch, viêm tắc mạch máu...
 
Đồng thời, rau má có tác dụng chữa lành các vết thương, tổn thương da trong các bệnh vẩy nến, chàm, xơ cứng bì và làm mờ các vết sẹo. Ngoài tác dụng làm lành vết thương, cải thiện tuần hoàn máu, rau má còn được các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh tác dụng điều trị các bệnh về suy giảm miễn dịch, rối loạn miễn dịch như xơ cứng bì, lupus ban đỏ, viêm tắc mạch máu, viêm da cơ địa, vẩy nến, sốt không rõ nguyên nhân, cúm... Đặc biệt, đối với bệnh xơ cứng bì, rau má có tác dụng hỗ trị điều trị bệnh rất tốt. Giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân xơ cứng bì.
PHẠM TIẾN (Kiến thức gia đình số 24)