(Tin Môi Trường) - Miền Trung là khu vực chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, do vậy tìm ra những mô hình phát triển kinh tế thích ứng hiệu quả sẽ giảm thiểu thiệt hại kinh tế, điều này đặc biệt ý nghĩa đối với bà con nghèo ở những vùng đất khó khi cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã trợ lực cho chị em phụ nữ nghèo ở Thừa Thiên Huế có điều kiện phát triển kinh tế hướng đến làm giàu ngay tại quê hương
Mô hình làm kinh tế thích ứng tại cộng đồng
Đến Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) những ngày tháng Năm, khi đồng lúa đang vào độ chín, người dân vui mừng mùa màng bội thu. Niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt của bà con đang thoăn thoát gặt lúa. Nhìn cánh đồng lúa thẳng tít tắp, không ai nghĩ rằng khi mùa lũ đến thì những cánh đồng lúa này bị phủ trắng bởi nước. Người bản địa thường nói vui “món chính”của vùng đất nơi đây là “lúa, lụt và lợn”.
Có lẽ không riêng gì Quảng Điền mà những người dân ở vùng đầm phá đã quá quen thuộc với diễn biết của thời tiết, và coi đó là một thuộc tính tự nhiên bất biến không thể dời đổi. Vì vậy, họ luôn nghĩ ra cách để sống và làm ăn chủ động hơn để những thay đổi của thời tiết không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Chính quyền luôn coi trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ dân sinh và tìm tòi các mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần giảm nghèo, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, đặc biệt đối với bà con nghèo phòng tránh và giảm những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, bên cạnh các giải pháp về thủy lợi, mô hình trồng và sản xuất giống lúa cao cây vùng trũng… thì việc xây dựng cho các hộ dân nơi đây những phương hướng, giải pháp giúp nâng cao sinh kế, đặc biệt là sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ để cải thiện mức sống hằng ngày cho người dân là hết sức cần thiết”.
Nhiều phương thức phát triển kinh tế được bà con vận dụng thích ứng diễn biến của thời tiết, trong đó phải kể đến cách làm kinh tế của bà con vùng đất Quảng An (huyện Quảng Điền) đã thực hiện giúp bà con có hướng đi mới giúp cuộc sống ổn định hơn trước những diễn biến của tự nhiên đó là phương thức làm kinh tế “mùa nào làm việc nấy” - Mùa khô làm nông, mùa mưa làm thủ công được bà con phổ biến và thực hiện nhiều năm nay đã đem kết quả; cùng với sự đầu tư từ dòng vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp bà con nghèo có nguồn thu nhập ổn định, điều này thực sự có ý nghĩa trong việc góp phần giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng An Trần Thị Dường cho biết: “Nằm trong vùng thấp, trũng luôn bị lũ lụt đe dọa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để giúp bà con phát triển sinh kế, tạo động lực cùng nhau vươn lên thoát nghèo, cùng nhau làm kinh tế, cấp ủy, chính quyền, ban giảm nghèo luôn trăn trở tìm những giải pháp phù hợp với điều kiện của bà con nơi đây. Trước đây, vào mùa khô bà con tăng gia sản xuất ngoài trồng lúa, chăn nuôi được chị em tận dụng triệt để thời gian để tăng năng suất. Còn mùa mưa đến thì mọi sản xuất tạm ngưng”.
Với truyền thống phụ nữ Huế đảm đang, khéo tay, trong khi đó nghề thủ công về thêu, dệt ren xuất khẩu rất được ưa chuộng. Vì vậy, chính quyền xã làm việc với các công ty xuất khẩu về mặt hàng thủ công để đưa ra giải pháp, nhận các đơn hàng giúp cho bà con có thêm thu nhập khi mùa mưa lũ về.
Năm 2007, khi ý tưởng làm mô hình thêu, dệt ren hình thành được người dân rất ủng hộ nhưng làm như thế nào? Lấy vốn ở đâu để đặc biệt là giúp người nghèo có điều kiện mua khung cửu để sản xuất? Các hội đoàn thể và cấp ủy Đảng của xã đã bàn bạc rất kỹ lưỡng, chi tiết từng bước để cùng giúp dân làm kinh tế.
Trước sự băn khoăn của bà con, NHCSXH huyện đã tổ chức cho vay và tập trung ưu tiên giải ngân những nhu cầu cần thiết để giúp bà con có vốn sản xuất và mua khung cửu làm thêu dệt.
Đơn cử Chị Hoàng Thị Gái, thôn An Xuân, xã Quảng An là một trong những hộ vay điển hình. Năm 2010, chị Gái được tiếp cận 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Một nửa số tiền vay chị đầu tư vào trồng sen và lúa ôm cá; một nửa số vốn chị đầu tư sửa chữa mặt bằng và mua khung cửu. Cứ vậy, làm ăn tích góp dần lên đến nay gia đình chị Gái đã thoát được nghèo bền vững, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Mong muốn từ cơ sở
Mô hình làm kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) được bà con trong xã hưởng ứng và lan tỏa, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập, không phải đi làm ăn xa khi mùa mưa lũ đến.
Cũng theo chị Hoàng Thị Gái, thôn An Xuân, xã Quảng An cho biết thêm: “Được sự hỗ trợ từ NHCSXH và Hội Phụ nữ, tôi thấy đây là hướng đi rất mới, nó giúp tôi và một số bà con trong nhóm có được nguồn vốn để mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăn nuôi và mở rộng cơ sở sản xuất thuê dệt zen. Hiện tại mô hình kinh tế đang phát triển khá tốt và thấy đem lại sự tích cực cho người dân”.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng An, Lê Văn Hài: “Để xóa đói giảm nghèo thì từ trước đến nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình dự án mang lại hiệu quả thiết thực, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sinh kế. Qua thông tin từ các nhóm hưởng lợi cho thấy người dân phấn khởi với cách làm của mô hình này, bà con có thêm nguồn thu nhập, cũng đã tự nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn khi thực hiện dự án. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những lý do tín dụng chính sách ở ở địa bàn xã Quảng An không có nợ quá hạn.”
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tiếp lời: “ Để giúp chị em tiếp tục nâng cao tay nghề khi thị trường ngày càng đòi hỏi cao. Rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền giúp cho chị em có mặt bằng để có thể mở rộng quy mô sản xuất, và cũng là nơi đào tạo nâng cao tay nghề cho chị em phụ nữ, bên cạnh đó giúp những chị em nghèo không có mặt bằng đến đây để làm. Bên cạnh đó, rất mong các cấp, các ngành và NHCSXH xem xét nâng mức cho vay lên 70 -100 triệu đồng để tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện đầu tư vào sản xuất hướng đến giảm nghèo bền vững, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Mô hình: Mùa khô làm nông, mùa mưa làm thủ công đã có những tác động tích cực vào ý thức tự giác vươn lên trong việc phát triển kinh tế của các hộ dân tham gia, giúp người dân có điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo tại những vùng đất khó.