(Tin Môi Trường) - Vụ việc rải tiền trên khinh khí cầu dù tác giả Phạm Tuấn Sơn đã lên tiếng xin lỗi, nhưng dư âm của nó vẫn còn khá nặng nề và những bàn tán chưa chấm dứt, góc nhìn của ông Lê Quốc Vinh - Le Group trên TTO
Chứng kiến cơn “mưa tiền”, nhiều người dân địa phương cho rằng đây là hoạt động phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục -Ảnh: IE
1. Làm giàu chưa bao giờ là dễ. Nhất là làm giàu bằng thực lực, kiến thức, chân chất và bỏ công sức lao động của chính mình, dù là lao động chân tay hay là trí óc.
Loại trừ yếu tố may mắn - vì sự may mắn không nằm trong phạm vi chúng ta có thể tự quyết định, tôi tin rằng sự thành công, về tiền bạc, chỉ có thể đến với chúng ta từ sự nỗ lực vượt trội so với người khác.
Tôi không đọc các cuốn sách dạy làm giàu, bởi vì tôi tin rằng không có công thức chung nào để chúng ta áp dụng được.
Mặc dù, tôi thừa nhận có đọc các cuốn sách về chân dung các doanh nhân thành công, nhưng tuyệt nhiên không hề nghĩ rằng có thể tìm được các công thức làm giàu trong các cuốn sách ấy, mà chỉ là để tự tạo ra cảm hứng từ con đường họ đi, từ những trải nghiệm của họ, và để vững tin hơn vào con đường mình chọn.
2. Tôi không quen biết ông Phạm Tuấn Sơn, người vừa có màn ra mắt cuốn sách Dám làm giàu đình đám trên khinh khí cầu ở Huế.
Tôi chưa đọc và sẽ không đọc cuốn sách ấy, bởi triết lý đã nói ở trên, chứ không phải bởi vì các lý do liên quan đến tác giả.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thông điệp mà ông đang cố gắng đưa ra, từ màn ra sách có một không hai này, sẽ làm sai lệch hoàn toàn nhận thức của người trẻ trên con đường tạo dựng sự nghiệp.
Tôi không nghĩ rằng ông Phạm Tuấn Sơn định “tán lộc” bằng cơn mưa tiền từ khinh khí cầu, giống như các vương tôn công tử ngày xưa phát tiền mỗi dịp hoan hỉ, hoặc như các ông đồng bà cốt tung tiền trong lễ hầu đồng.
Bằng chứng là ông chỉ rải xuống cho một nhóm người trong sân vận động, mà gió ngẫu nhiên đẩy mất phần nào ra khỏi phạm vi tổ chức sự kiện.
Nhưng, cứ cho là nhóm người dưới sân tượng trưng cho tất cả mọi người như ông nói, thì “cơn mưa tiền” khiến người ta hiểu rằng cơ hội làm giàu là vô cùng dễ dãi, như lộc trời cho, mà chẳng cần phải nỗ lực lao động bền bỉ và thông minh.
3. Trên trang Facebook cá nhân, ông Sơn nói thông điệp của “cơn mưa tài lộc” cũng như cuốn sách là “…Cơ hội để tự do tài chính, kiếm tiền và trở nên giàu có luôn ở xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta có nhìn thấy để nắm lấy hay không? Và để có thể nhìn thấy và nắm lấy được những cơ hội đó, chúng ta cần có kiến thức và hiểu biết về tiền bạc và quản lý tài chính cá nhân”.
Tôi không rõ các vị siêu giàu như Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos, Amancio Ortega, Mark Zuckerberg… có đồng ý với ông Phạm Tuấn Sơn không, nhưng chắc chắn con đường làm giàu của họ gian truân, đầy thách thức, cần nhiều lắm những kiến thức, trải nghiệm, mưu tính và cả những thất bại cay đắng, chứ không đơn giản như người ta cố gắng tiêm nhiễm vào đầu giới trẻ.
Tôi thực sự e ngại rằng những bài học làm giàu, những công thức kiếm tiền nhanh, và cái lối tư duy chỉ cần đam mê và quyết tâm là đủ, sẽ khiến người trẻ có cái nhìn sai lệch, sẽ rơi vào cái bẫy tự tin thái quá, không còn tập trung vào những hoạt động chiến lược thực sự và những bước đi cụ thể.
Tác giả sách cần làm marketing cho sách, và nếu có điều kiện, có thể làm những chiêu trò tạo ấn tượng nhất. Tất cả điều đó có thể hiểu được, nhưng chắc chắn chiến lược truyền thông phải chuyển tải được thông điệp chủ đạo đúng đắn, đừng dẫn dụ những lối tư duy lệch chuẩn.
Người làm showbiz có thể chỉ cần làm truyền thông theo lối quảng danh, chỉ cần ồn ào là đủ, nhưng người làm PR cho sách, phải chọn con đường bảo vệ uy tín, danh dự và thương hiệu của mình.