(Tin Môi Trường) - Được chẩn đoán ban đầu là viêm não, nhưng xét nghiệm xác định bé trai bị nhiễm vi rút dại, nguồn lây được nghi ngờ từ vật nuôi trong gia đình.
Vật nuôi chung quanh cũng có thể là nguồn gây sốt cao ở trẻ - Ảnh: Shutterstock
Diễn biến xấu rất nhanh
Đó là trường hợp bé trai 3 tuổi ở Hải Phòng, vừa được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) trong tình trạng li bì, hôn mê, xuất tiết nhiều đờm dãi. Gia đình cho hay, trước đó thấy bé bỗng nhiên lên cơn sốt nên đưa đi khám tại BV địa phương. Tại đây, tuy sốt cao nhưng bé vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên chỉ khoảng 7 - 8 giờ đồng hồ sau đó, tình trạng sức khỏe bé xấu đi rất nhanh, được chẩn đoán viêm não cấp và nhanh chóng chuyển lên BV Nhi T.Ư trong tình trạng nguy kịch: sốt cao, có suy thở, li bì, hôn mê.
TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi T.Ư, cho biết qua quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhi có nhiều bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường (như: xuất tiết nhiều đờm dãi, sưng vùng kín...) khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng bé nhiễm vi rút dại. Sau khi hỏi thăm, gia đình bé cho hay trong nhà có nuôi chó mèo và bé thường xuyên chơi đùa với chúng. Vì vậy, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi xét nghiệm dịch não tủy. Mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm xét nghiệm đặc hiệu tìm vi rút dại, cho kết quả dương tính.
Chỉ một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng sốc, suy đa tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn... buộc phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và lọc máu liên tục. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhi vẫn rất xấu, gia đình đã xin con về do không còn khả năng cứu chữa.
100% tử vong khi đã lên cơn
Theo TS-BS Tạ Anh Tuấn, trong gia đình có vật nuôi (nhất là vật nuôi khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi rút dại. Bệnh dại do vi rút từ động vật lây sang người. Vi rút này xâm nhập vào cơ thể người từ vật bị nhiễm vi rút dại như chó, mèo qua vết cắn, vết xước, vết thương trên da. Thời gian ủ bệnh dại là dài (từ 2 - 8 tuần, thậm chí có thể kéo dài cả năm), phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. “Để phòng tránh bệnh dại cho trẻ và các thành viên trong gia đình, phải tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi như chó, mèo, đồng thời hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc quá gần gũi với chúng”, TS-BS Anh Tuấn đặc biệt lưu ý.
Bác sĩ cho biết thêm, nếu bị chó, mèo nhiễm vi rút dại cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày với tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt. Co thắt cơ hô hấp và co thắt thanh quản gây khó thở; bệnh nhân có biểu hiện sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Bệnh tiến triển gây liệt, bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên; có thể bị kích thích quá độ, thậm chí có phản ứng dữ tợn nhưng sau đó suy sụp nhanh, hôn mê và tử vong.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, tại TP.Hà Nội đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong do dại. Cả hai trường hợp này đều không tiêm vắc xin dại. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn theo dõi sức khỏe hoặc chỉ định tiêm vắc xin. Người bị dại đã lên cơn thì 100% tử vong.
Nếu không may bị chó, mèo dại/nghi dại tấn công, cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%; sau đó sát khuẩn vết thương bằng cồn. Sát khuẩn có tác dụng chống bội nhiễm và giảm tối thiểu lượng vi rút dại xâm nhập cơ thể người. Sau đó đến ngay cơ sở y tế/trung tâm y tế dự phòng để khám và điều trị dự phòng bằng vắc xin phòng dại.
Những trường hợp cần phải tiêm đồng thời cả vắc xin dại và huyết thanh kháng dại: khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại; có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu; có vết cắn (dù là nhẹ) nhưng ở bộ phận sinh dục và những nơi có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu chi.
Nguồn: BV Nhi T.Ư