(Tin Môi Trường) - Việc giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Yên Bái đồng thời là em ruột của bí thư Tỉnh ủy xây dựng cả một khu biệt thự nguy nga, lộng lẫy trên đất rừng ngay giữa thành phố đang gây xôn xao và bức xúc trong dư luận.
Cụm biệt thự gia đình giám đốc Sở TN-MT Yên Bái - Ảnh: T.Đ.
Cách nay không lâu, báo chí cũng đã đưa tin về vụ 6 lô đất biệt thự được cho là đẹp nhất ở trung tâm thành phố Lào Cai đều về tay các quan chức hàng đầu của địa phương sau cuộc đấu giá công khai.
Hiện tượng quan chức nắm giữ của cải xã hội theo kiểu ăn trên ngồi trốc như những vụ nêu trên không phải ít và thực sự là một thách thức đối với chủ trương xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, kiến tạo.
Trong câu chuyện các lô đất vàng ở Lào Cai, khi được chất vấn thì những người có thẩm quyền và những người liên quan đều trả lời rằng mọi việc đều đúng quy trình, đúng luật; riêng việc các quan chức hàng đầu trúng đấu giá những lô đất là việc xảy ra tình cờ, ngẫu nhiên, trong điều kiện quan chức tham gia đấu giá như người dân bình thường.
Trong khi đó, lòng tin của người dân tiếp tục bị bào mòn do phải chứng kiến những thửa đất vàng cứ thuộc về quan chức theo một cách giống như lỗ đen vũ trụ hút vật chất về tâm của nó, nghĩa là không cưỡng lại được.
Ai cũng biết, cũng hiểu rằng nhắc nhở cán bộ về sự cần thiết của việc thường xuyên tu dưỡng đạo đức, biết tự trọng, tự đấu tranh, kiềm chế bản thân trước cám dỗ vật chất là việc phải làm. Nhưng chừng đó chắc chắn không đủ để ngăn chặn lòng tham của con người.
Cần có hệ thống kiểm soát, giám sát khách quan và hệ thống xử lý, chế tài thật sự mạnh để hạn chế những vụ chiếm đoạt của công, đặc biệt là chiếm đoạt dựa vào quyền lực.
Câu chuyện đất biệt thự ở Lào Cai cũng như chuyện lập biệt phủ ở Yên Bái cho thấy có những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý đang vận hành liên quan đến việc chuyển giao đất từ Nhà nước sang tư nhân để sử dụng.
Đất vốn nằm trong thẩm quyền quản lý của Nhà nước mà đem giao hoặc cho thuê thông qua đấu giá, việc đấu giá phải được tổ chức như thế nào để quan chức địa phương, đặc biệt là ở nơi có đất, không có điều kiện để dự phần dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Bởi nếu để quan chức tham gia đấu giá thì chắc chắn họ có điều kiện thuận lợi hơn so với người dân thường để đạt được mục tiêu theo đuổi: họ có quyền lực, có tầm ảnh hưởng và có thể sử dụng các công cụ đó để khống chế, chi phối các khâu, các vị trí trong quy trình để việc đấu giá diễn ra theo ý mình.
Nói rõ hơn, cần phải xem liệu luật đã có quy định cấm quan chức địa phương và người thân tham gia những cuộc đấu giá để giao quyền sử dụng đối với đất thuộc địa bàn quản lý. Nếu chưa thì cần phải bổ sung vào luật một quy định như thế.
Tương tự, đối với việc bán nhà ở thuộc công sản (gọi nôm na là “hóa giá”) hay đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nói chung, đối với tất cả các trường hợp chuyển tài sản công thành tài sản thuộc sở hữu tư nhân cần có quy định cấm quan chức và người thân tham gia việc chuyển giao với tư cách là người thụ hưởng.
Có như thế mới có điều kiện cần cho việc ngăn chặn lợi dụng quyền thế lấy của công làm của tư.