(Tin Môi Trường) - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu thu hồi văn bản đề nghị xử lý phát ngôn gay gắt về Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu trong cuộc tọa đàm ngày 30-5 - Ảnh: V.V.Tuân
Thông tin này được nêu trong thông báo của Văn phòng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Thông báo nêu rõ văn bản đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh về Sơn Trà có một số nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu nhầm.
Thu hồi văn bản đề nghị xử lý
Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Vì vậy, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã chỉ đạo thu hồi văn bản đề nghị xử lý phát ngôn về Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh.
Đồng thời, ông Ái yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản trên và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 5-6.
“Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch xin nhận trách nhiệm về những sơ xuất tại nội dung văn bản nêu trên và thông tin chính thức để các cơ quan, cá nhân có liên quan được biết”, thông cáo của Bộ cho biết.
Trước đó, ngày 2-6, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký công văn gửi Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng về việc phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại cuộc toạ đàm về Sơn Trà ngày 30-5 vừa rồi.
Nguyên văn công văn của bộ này viết:
“Ngày 30-5, tại toạ đàm Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Mặc dù đã được chủ trì toạ đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại toạ đàm những nội dung thiếu chính xác.
Ông Vinh phát biểu: Quy hoạch này vi phạm các điều luật như sau:
- Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, điểm 2, điều 4 rừng đặc dụng;
- Luật đa dạng sinh học năm 2008, điều 8, 9, 21, 2 khoản 2 và điều 72;
- Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 điều 16;
- Luật bảo vệ và phát triển rừng điều 7, điều 12;
- Luật đa dạng sinh học điều 9; Luật tài nguyên môi trường điều 22, 23, 24 và các Nghị định khác”.
Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cho rằng việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề.
“Trước tình hình này, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đề nghị Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng xem xét sự việc trên đồng thời có biện pháp xử lý; yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch trước ngày 15-6 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền”, công văn của Bộ đề nghị.
Công văn do gửi Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng do thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái ký
“Chiến đấu đến cùng vì Sơn Trà"
Trước đó, tại cuộc toạ đàm về phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch và UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 30-5 đã xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa về việc có nên giữ nguyên hiện trạng bán đảo này hay không.
Trong khi ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định sẽ “chiến đấu” đến cùng vì Sơn Trà thì đại diện UBND TP Đà Nẵng lại cho rằng việc giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà là chưa phù hợp.
Tại đây, ông Huỳnh Tấn Vinh đưa nhiều luận điểm cho rằng chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2030 Sơn Trà đón 4,6 triệu lượt khách với số lượng 1600 phòng khách sạn sẽ tác động đến môi trường.
Ông Vinh cũng nêu quan điểm sự phát triển này làm sự gia tăng lợi nhuận từ du lịch sẽ thúc đẩy xây dựng các khách sạn, nhà hàng; thu hẹp diện tích rừng, thu hẹp môi trường sống của động vật, tạo ra tiếng ồn làm giảm khả năng tìm kiếm thức ăn, chỗ trú; góp phần làm cạn kiệt tài nguyên; tác động đến loài vật như sâu bệnh từ người, thay đổi thói quen khi du khách cho thức ăn.
Bán đảo Sơn Trà được xem là lá phổi xanh của TP Đà Nẵng với hệ sinh thái đa dạng từ rừng đến biển - Ảnh: Trường Trung
Theo ông Vinh, nếu quy hoạch Sơn Trà với mật độ xây dựng cao với khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng sẽ phải đánh đổi hệ sinh thái nơi đây, đưa vọoc Chà vá vào danh sách tuyệt chủng và phá huỷ rạn san hô đẹp nhất VN và số tiền thu được sẽ vào túi một nhóm nhất định.
Còn khi giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững, thì sẽ biến Sơn Trà thành điểm tham quan, du lịch sinh thái.
“Du khách sẽ đến Đà Nẵng để khám phá khu vực B, bán đảo Sơn Trà, nhưng sẽ ăn nghỉ tại khu vực A, TP Đà Nẵng”, ông Vinh nói.
“Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn bảo toàn nguyên vẹn vẻ tự nhiên của Sơn Trà và bảo toàn báu vật đó cho con em chúng ta mai sau. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng vì Sơn Trà mà chúng tôi yêu thương”, ông Vinh khẳng định.