Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng biến đổi khí hậu
(07:45:55 AM 26/05/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 25/5, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng biến đổi khí hậu. Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, viện, trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh hoạ: IE
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích tình hình biến đổi khí hậu, các tác động và giải pháp thích ứng, phục hồi, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu; giới thiệu các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước: Hiện nay và cả trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long phải đương đầu với ít nhất hai thách thức toàn cầu, một thách thức khu vực và một thách thức từ chính sự khai thác đồng bằng. Do vậy, cần nâng cao nhận thức về các thách thức và bối cảnh mới Đồng bằng sông Cửu Long trong hệ thống chính quyền các cấp và người dân khu vực đồng bằng, cụ thể trong từng tiểu vùng. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân đề xuất nhiều giải pháp trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước sông Mekong, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngọt, rà soát lại quy hoạch tổng thể, sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tốt việc khai thác tài nguyên, nước ngầm… Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế, việc xâu kết chuỗi, liên kết vùng để phát triển là vô cùng bức thiết.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các đồng bằng lớn đáng lưu ý về sự gia tăng rủi ro do khí hậu biến đổi tác động đến cộng đồng dân cư, xuất hiện nhiều hiện tượng như: nhiệt độ cao, lượng mưa thất thường, nước biển dâng, thiên tai cực đoan... dẫn đến cháy rừng, mất đất, dịch bệnh, thiếu nước sạch, ô nhiễm…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giới thiệu một số mô hình sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao, như: nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, mô hình lúa - cá, các mô hình thâm canh hợp sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống tưới tiết kiệm và tự động…
Theo Tiến sĩ Trương Văn Hiểu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thích ứng Biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển cộng đồng, Trường Đại học Trà Vinh: Khí nhà kính từ chăn nuôi đóng góp khoảng 18% làm trái đất nóng; trong đó, chăn nuôi các loài gia súc nhai lại tạo ra khí nhà kính chiếm 80%. Để giảm ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gia súc nhai lại cần có biện pháp quản lý chất thải, đồng thời cần có chế độ nuôi dinh dưỡng thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính.