(Tin Môi Trường) - Nhiều đại gia trong ngành gỗ sẵn sàng chi hàng chục tỷ để sở hữu cây sưa đỏ đại thụ trong đình làng Đông Cốc.
Trước thông tin về việc người làng Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bày tỏ nguyện vọng bán 2 cây sưa lớn, trong đó có một cây sưa đỏ đã 400 tuổi, nhiều đại gia kinh doanh gỗ cho biết, họ đang ấp ủ ý định sở hữu cây sưa đại thụ có một không hai này.
Trao đổi với phóng viên, ông H.N.T - Giám đốc công ty chuyên cung cấp đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp ở Nam Định cho biết, do có đam mê với loại gỗ cực hiếm này nên bản thân ông vẫn thường xuyên theo dõi thông tin xoay quanh việc làng Đông Cốc bán cây sưa 200 tuổi cho ông Nguyễn Văn Hùy (Đồng Kỵ).
Ông T. cảm thấy khá bất ngờ khi ông Hùy có thể mua được cây sưa đỏ đại thụ với giá 26 tỷ đồng. Ông khẳng định, nếu ông Hùy gặp được người mua hiểu được giá trị của sưa đỏ thì số lãi thu được có thể gấp 2, gấp 3 lần số tiền ông này bỏ ra.
Cây sưa 400 tuổi của làng Đông Cốc
''Đó là một món hời lớn mà những người làm gỗ lâu năm mơ ước. Trước đây, tôi nghe phong thanh rằng có người trả giá 49 tỷ để mua cây sưa ấy nhưng rồi lại không mua nữa, lập tức tôi gom tiền từ các mối hàng để đi Bắc Ninh một chuyến đặt vấn đề mua sưa.
Nhưng trong lúc đang chuẩn bị thì tôi biết được, cây sưa đã được bán đấu giá xong. Thông tin về buổi đấu giá cũng rất kín, ít người nắm được, do đó nhiều khả năng mọi việc đã được an bài từ trước, kể cả khi ấy có tiền tôi cũng khó có thể chạm vào được cây gỗ quý này'', ông T. nói.
Theo vị đại gia gỗ Nam Định, lần tới nếu người dân làng Đông Cốc tiếp tục bán cây sưa 400 tuổi còn lại thì ông sẽ đích thân đi tìm hiểu và trả một mức giá hợp lý để có thể mua lại cây sưa này.
''Để mua được nó không phải đơn giản, nhưng tôi vẫn muốn thử vận may của mình xem sao. Thử hỏi ở Việt Nam có mấy cây sưa đỏ tuổi đời lên đến 400 tuổi như vậy?. Chỉ thế thôi cũng đủ khiến cây gỗ này xếp vào hàng trân bảo mà ai cũng muốn sở hữu nó.
Theo nhận định của cá nhân tôi, thân cây sưa 400 tuổi cũng giống như cây 200 tuổi. Thân cây khá thẳng, đường kính lớn, nhiều lõi, ít chỗ bị hỏng, do vậy lượng gỗ thu được lớn mà không bị hao hụt. Điều quan trọng nhất bây giờ là người làng Đông Cốc đưa một cái giá hợp lý thôi'', ông T. chia sẻ.
Thấp nhất 50 tỷ
Chung sở thích chơi sưa với ông T, ông N.N.H - Giám đốc công ty chuyên kinh doanh đồ gỗ sưa tại Hà Nội cũng tỏ ra sốt sắng trước thông tin người dân làng Đông Cốc muốn bán cây sưa đỏ 400 tuổi.
''Từ khi biết được làng Đông Cốc muốn bán sưa, tôi đã phải nhờ người thân ở Thuận Thành thi thoảng qua nghe ngóng cập nhật tình hình cụ thể. Chỉ cần có thông tin cấp trên cho phép bán đấu giá cây sưa 400 tuổi là lập tức báo cho tôi biết.
Lần trước, mãi đến khi báo chí đưa tin về việc cây sưa 200 tuổi ở làng này bán được 26 tỷ tôi mới biết về việc đấu giá. Do vậy lần này tôi hi vọng sẽ tổ chức đấu giá công khai để anh em trong nghề có thể cạnh tranh một cách công bằng'', ông H chia sẻ.
Khi phóng viên đề cập đến giá của cây sưa 400 tuổi, ông H. nhấn mạnh, đối với những cây sưa có tuổi đời lên tới hàng trăm tuổi rất khó có thể đưa ra một mức giá cố định, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, ông khẳng định, cây sưa đỏ tại làng Đông Cốc sẽ có giá không dưới 50 tỷ.
Về việc này, một lãnh đạo xã Hà Mãn cho biết, ông đã nhận được thông tin người dân làng Đông Cốc có ý bán những cây sưa còn lại để lấy tiền xây dựng địa phương.
''Tôi mới chỉ nghe bà con bàn tán với nhau thế, còn thì chưa nhận được kiến nghị chính thức nào của bà con về việc này. Nếu bà con có ý đó thật thì chúng tôi cũng sẽ thông báo lại ý kiến của họ lên cấp trên để xem xét xử lý, xã không thể tự ý quyết định được'', lãnh đạo xã Hà Mãn nhấn mạnh.
Vị cán bộ thông tin thêm, sau khi bán cây sưa 200 tuổi cho đại gia gỗ Nguyễn Văn Hùy rồi chia một phần tiền cho bà con thì không có trường hợp nào khiếu nại về vấn đề này.