Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thử nghiệm cho thấy hiệu quả của các kháng thể chống virus cúm H5N1 và H1N1 trên chuột. Nhân sự kiện khoa học trọng đại này, PV có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Huân, Viện Vaccine Quốc tế (IVI), người đứng đầu nhóm nghiên cứu quốc tế.
Lựa chọn tốt cho người bị suy giảm miễn dịch
Kết quả nghiên cứu này được áp dụng vào chữa bệnh ở các nước như thế nào?
Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Nhật Bản đã dùng biện pháp này đề điều trị chống khuẩn liên cầu gây sâu răng (Streptococcus mutans) và xoắn khuẩn gây viêm loét dạ dày (Helicobacter pylori) Biện pháp này có tác dụng chống được cả các vi khuẩn kháng thuốc.
Năm 2008, tại Thụy Điện, biện pháp này bắt đầu được phép áp dụng để chống nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) ở đường hô hấp trên những bệnh nhân bị xơ nang hóa (Cystic Fibrosis). Kết quả ban đầu rất khả quan. Tôi muốn nói thêm là biện pháp này là lựa chọn tốt cho các bệnh nhân suy giảm miễn dịch trong đó có người cao tuổi
Nghiên cứu có được cơ quan quản lý khoa học Việt Nam phê duyệt không, thưa ông?
Kết quả nghiên cứu quốc tế thường được công bố trên các tạp chí khoa học sau khi được các chuyên gia quốc tế trong ngành đánh giá chứ không thuộc lĩnh vực của các cơ quan quản lý khoa học. Công trình vừa được công bố trên một tạp chí khoa học quốc tế tháng 4-2010.
Để triển khai đại trà, cần các bước tiếp theo nào? Dự kiến kinh phí khoảng bao nhiêu?
Bước tiếp theo là sản xuất chế phẩm tại cơ sở có đủ tiêu chuẩn chất lượng (GMP) để thử trên người tình nguyện. Kinh phí dự kiến ban đầu khoảng 100.000 USD.
Thử nghiệm đó có thể thực hiện ở Việt Nam được không? Kinh phí 100.000 USD liệu có tìm được từ nguồn hỗ trợ nào?
Về mặt kỹ thuật, có thể thực hiện dễ dàng tại Việt Nam. Kinh phí 100.000 USD có thể được nhà nước và công ty tư nhân cùng đóng góp. Đây là biện pháp ít tốn kém nhưng có tác dụng bảo vệ cộng đồng nên Bộ Y tế có thể sẽ quan tâm và ủng hộ.
Kháng thể vừa tìm thấy có giúp phòng chống các bệnh cúm khác không?
Kháng thể lấy từ trứng gà trên thị trường Việt Nam chỉ có tác dụng phòng chống bệnh cúm H5N1. Tuy nhiên, nguyên lý này có thể dùng để phòng chống các bệnh cúm khác, kể cả đại dịch cúm H1N1 hiện nay. Trước tiên, phải tiêm cho gà vaccine phòng chống cúm khác hoặc cúm H1N1 (vaccine cho gia cầm dễ sản xuất và rẻ hơn rất nhiều so với vaccine dùng cho người). Sau đó thu hoạch trứng và tinh chế kháng thể. Quá trình này bao giờ cũng nhanh hơn sản xuất vaccine để dùng cho người.
Làm khoa học ở Việt Nam rất khó
Ý nghĩa lớn nhất về mặt khoa học cũng như về thực tiễn lâm sàng của phát hiện này là gì?
Các công trình khoa học tren the gioi gần đây về miễn dịch thụ động hướng vào việc sản xuất và sử dụng kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) để tiêm cho người bị cúm thay thế cho thuốc kháng virus như Tamiflu, v.v… Đây là biên pháp rất tốn kém và hiệu suất không cao, khó khả thi. Công trình kháng thể trong trứng gà chỉ ra rằng miễn dịch thụ động này có thể điều trị ở bề mặt niêm mạc – không cần phải tiêm – và không tốn kém, dễ thực hiện.
Đặc biệt là ở Việt Nam, trứng gà bán ngoài siêu thị đã có sẵn kháng thể rồi, chỉ việc tinh chế là có ngay sản phẩm để dùng. Nểu xảy ra dịch cúm H5N1 ở người thì Việt Nam sẽ là nơi đầu tiên có thêm phương tiện phòng ngừa.
Đâu là yếu tố nguy cơ dịch cúm ở Việt Nam cần đề phòng?
Cúm gà hiện nay xuất hiện rải rác, không gây thành dịch, nhưng có độc tính cao, tỷ lệ tử vong ở những người bị nhiễm cao, nhất là ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ đáng lo ngại là virus cúm gà H5N1 biến đổi để dễ dàng truyền sang người. Tác nhân tác động đến sự biến đổi của H5N1 có nhiều. Vì thế, Việt Nam cần đề phòng nguy cơ dịch H5N1 ở gia cầm. Biện pháp tiêm vaccine chống H5N1 cho gia cầm là thiết thực.
Hợp tác với một đơn vị nghiên cứu trong nước, ông có suy nghĩ gì?
Thực tình mà nói, làm khoa học ở Việt Nam rất khó khăn vì kinh phí có hạn. Tôi rất khâm phục một số nhà khoa học trong nước có trình độ và say sưa làm việc trong điều kiện lương không đủ sống. Các đề tài hợp tác với nước ngoài, trông chờ vào sự giúp đỡ của họ thì chỉ mang tính chat phục vụ cho đề tài của họ mà thôi.
Nếu thực sự muốn thực hiện đề tài thiết thực cho dân mình, chỉ còn cách tự túc. Không ai lo hộ mình đâu. Các nước và thể chế phát triển ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, và Singapore, vấn đề giáo dục và nghiên cứu được chú trọng. Nếu ta không kiên quyết thì ta dễ phát triển theo hướng như Thailand, Philippines hay Indonesia là cùng.
Cám ơn ông.
................................................................................
- Kháng thể gà tìm thấy trong lòng đỏ trứng từng được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa. Kháng thể gà có thể được dùng dưới dạng xịt vào mũi. Dạng này là kiểu tiêm phòng thụ động, giống như sử dụng huyết thanh kháng bệnh dại, độc tố uốn ván, bạch hầu, nọc rắn…
- TS Nguyễn Hữu Huân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp đại học và làm luận án tiến sỹ ở Praha, Cộng hòa Czech.
Từ năm 1992 – 1994, ông nghiên cứu về miễn dịch chống ung thư tại Viện Hàn lâm Khoa học Czech. Từ năm 1994-2006, nghiên cứu miễn dịch chống nhiễm trùng tại Trường Đại học Alabama ở Birmingham, bang Alabama, Hoa Kỳ. Từ năm 2006 đến nay, nghiên cứu và phát triển vaccine và phương pháp điều trị sinh học chống cúm tại Viện Vaccine Quốc tế, Seoul, Hàn Quốc.
Vợ ông cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là tiến sỹ nghiên cứu sinh học phân tử và mô hình toán học cho sự tiến triển sinh học. Hai vợ chồng ông định cư ở Hoa Kỳ và có một con gái đang học dược.