(Tin Môi Trường) - Tác giả Phan Thị Anh Thư, Liên hiệp các hội VHNT TP. Cần Thơ đã có bài viết về Cây Lộc vừng ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Điều làm người dân bức xúc là ngày 12/4/2017 (nhằm ngày15/3 âm lịch năm 2017), lễ đón nhận danh hiệu Cây Di Sản đã không diễn ra như các phương tiện truyền thông đã thông tin.
Toàn cảnh cây Lộc Vừng
Nhớ lần trước về đây đúng một năm, dẫn chúng tôi đến tận gốc cây Di sản Lộc Vừng tọa lạc tại ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Tám, 88 tuổi ngụ cùng ấp phấn khởi nói : “Cây nầy có hơn 300 tuổi rồi, dù trước đây bị bom đạn tàn phá, nước ngập “ túa xua” vào mùa nước lũ nhưng cây vẫn xanh tốt rất lạ thường, nghe nói sắp được nhận danh hiệu cây di sản rồi, người dân mừng lắm”.
Nhiều người dân tại đây quen gọi là cây Vừng, nhưng theo các nhà chuyên môn thì tên cây là Lộc Vừng. Đây là cây cổ thụ “độc” của miền Tây và là cây đã được các ngành chức năng của trung ương công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Hậu Giang trên các phương tiện truyền thông của tỉnh.
Bà Bùi Thi Ương, 55 tuổi, người đang trông coi miếu Bà Chúa Xứ cạnh cây Lộc Vưng nầy cho biết: cây nầy đã gắn với truyền thống khai hoang mở đất của nhiều thế hệ cư dân sinh sống tại đây. Khu vực nầy xưa kia rất hoang vu, rậm rạp với nhiều thú dữ, đặc biệt là các loài rắn khổng lồ. Câu chuyện mang đầy vẻ huyền bí tâm linh nhất rất được nhiều người dân nơi đây kể lại là khi xưa có cặp rắn thần to lớn thường về đây bắt heo, gà, vịt rồi đem lại gốc Lộc Vừng nầy ăn sống. Hơn 60 năm trước từ khi người dân thỉnh Bà Chúa Xứ về thờ tại đây thì cặp rắn “ thần” chui vào hang sâu dưới gốc cây biến mất. Hiện nay chỉ còn lại chiếc hang ngay giữa bộ rễ cây ( ?). Tuy nhiên theo nhiều lão nông cố cựu tại đây kể lại, chiếc hang giữa cây trên là do thời kháng chiến chống Mỹ, cây bị trúng bom ngay giữa phần thân cây nên phần gốc đã bị thủng một lỗ rất to. Tuy nhiên, cây vẫn có sức sống mãnh liệt, nhánh ngày càng vươn rộng.
Câu chuyện thứ hai là, cứ vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm ( ngày cúng Bà Chúa Xứ tại đây) thì ban đêm mọi người thấy nhiều ánh sáng chập chờn có hình dạng của Bà “ngự” trên cây Lộc Vừng cho đến sáng thì biến mất. Chính từ những câu chuyện “lạ thường” kia được đồn thổi ngày càng nhiều nên lượng khách đến tham quan, cúng bái ngày càng nhiều. Cứ sau Tết Nguyên đán cây thay lá mới và tới tháng 3 âm lịch, đúng dịp lễ cúng bà Chúa Xứ (16/3 âm lịch hàng năm) cây lại xanh tốt, ra hoa rất đẹp mắt.
Về góc độ khoa học và dựa trên các tiêu chí đã qui định, cây Lộc Vừng nầy đã được công nhận là Cây Di Sản Việt Nam (CDSVN) vào năm 2016 với các thông số: chiều cao cây khoảng 22 mét, chu vi gốc 8 mét, tán rộng gần 100 mét, mang nhiều ý nghĩa gắn với lịch sử đấu tranh của người dân nơi đây. Ngaoì ra, còn mang giá trị văn hóa lịch sử về cuộc hành trình mở đất phương Nam của người xưa.
Từ đó, tỉnh Hậu Giang đã khẩn trương thi công các công trình để phát triển diện tích trên 2.000 mét vuông xung quanh CDSVN nầy trở thành khu du lịch sinh thái miệt vườn của tỉnh. Cụ thể đã hoàn thành tuyến đường GTNT kiên cố có chiều dài trên 4 km từ xã Long Thạnh đến Khu du lịch, xây dựng mới miếu thờ Bà Chúa Xứ, Khu tiếp khách và giới thiệu tư liệu hình ảnh CDSVN Lộc Vừng cùng nhiều công trình văn hóa, giải trí vui chơi khác.
Tuy nhiên, điều làm người dân bức xúc là ngày 12/4/2017 (nhằm ngày15/3 âm lịch năm 2017), lễ đón nhận danh hiệu Cây Di Sản đã không diễn ra như các phương tiện truyền thông đã thông tin.
Ông Cao Văn Sự, người đang tạm thời quản lý khu vực Cây Lộc Vừng bức xúc nói: “ người dân thắc mắc là vì sao Nhà nước không làm lễ công nhận CDSVN, nguyên nhân “ trục trặc” từ Trung ương hay từ Tỉnh, Huyện? Nếu có cũng thông báo công khai để mọi người cùng biết”
Có được CDSVN là niềm tự hào to lớn của nhân dân vì đã chung tay gìn giữ Cây Di sản hàng trăm năm qua, vì vậy cần lắm một thông tin chính thống về việc công nhận để mọi người thông hiểu, đồng tình.
PHAN THỊ ANH THƯ (Liên hiệp các hội VHNT TP. Cần Thơ)