(Tin Môi Trường) - Tại Diễn đàn các đối tác đa dạng sinh học lần thứ nhất, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh và TS. Lê Thanh Bình thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trình bày kiến nghị về việc tăng cường vai trò cộng đồng bảo tồn ĐDSH, dưới đây là toàn văn báo cáo.
Ảnh minh hoạ: Pau Tang
I. Vai trò quan trọng của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học
* Đa dạng sinh học gắn liền với đời sống của cộng đồng dân cư (trồng trọt, chăn nuôi, canh tác,…)
* Người dân là chủ thể trong nhiều hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học như bảo tồn giống cây trồng vật nuôi, bảo tồn động thực vật quý hiếm, khai thác rừng, mặt nước, sử dụng tri thức truyền thống về nguồn gen, du lịch sinh thái,….
* Theo quan điểm tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn đa dạng sinh học thì Con người là một thành phần quan trọng và là trung tâm trong hệ sinh thái; vì vậy vai trò con người/cộng đồng cần được đề cập rõ ràng, sâu sắc trong Luật
* Vai trò quyết định của cộng đồng trong bảo tồn thông qua ví dụ Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam:
- Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do VACNE tổ chức đã kéo dài được 7 năm, đã công nhận gần 2.700 cây thuộc trên 100 loài tại 52 tỉnh/thành phố trong cả nước.
- Theo đánh giá chung của công luận thì Bảo tồn Cây Di sản không chỉ là hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân và khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước
- Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Bằng khen cho VACNE “Vì đã có tích xuất sắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2010-2015”. Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam giai đoạn 2015-2016” góp phần phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam”; Tổng cục môi trường luôn đồng hành với VACNE trong hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”, đó là phát biểu của đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường tại buổi Gặp mặt nhân 7 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
II. Luật đa dạng sinh học (2008) chưa đề cập thoả đáng đến vai trò của cộng đồng, cần được bổ sung , điều chỉnh
1. Hiện trạng nội hàm cộng đồng trong Luật Đa dạng sinh học hiện hành
- Với 78 điều, Luật ĐDSH có nhiều điều khoản đề cập đến quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhưng chưa có điều khoản nào đề cập trực tiếp đến vai trò của cộng đồng như một thực thể.
- Điều 30, Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn
- Điều 31, Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn
- Phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên
- Điều 41, Nhà nước thành lập hoặc giao cho các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy câps quý hiếm được ưu tiên bảo vệ
- Điều 43, Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học
- Điều 53, khoản 3, tổ chức cá nhân phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay …
- Đặc biệt chương V, mục 1, quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, các điều 55, 56, 57, 58, 60, 61. mục 2, điều 62, 63, liên quan rất nhiều đến vai trò của cá nhân (cộng đồng);
- Chương VII, Cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, cũng nhiều điều khoản đề cập đến vai trò và trách nhiệm của cá nhân.
2.Những đề xuất của VACNE khi điều chỉnh, bổ sung Luật Đa dạng sinh học nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học
2.1. Đề xuất bổ sung 1 chương về cộng đồng khi sửa đổi, bổ sung Luật ĐDSH
Cần thiết phải có một chương cụ thể về vai trò và nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Chương này cần hàm chứa 4 nội dung chủ yếu dưới đây, cũng là những nội hàm chính mà Mạng lưới Nguyên tắc 10 Tuyên bố Stockholm (về sự tham gia của cộng đồng) đã và đang khuyến nghị các nước:
1. Bảo đảm thông tin cần thiết vè tài nguyên và môi trường cho cộng đồng ;
2. Bảo đảm sự tham gia thực sự của cộng đồng vào mọi hoạt động bảo tồn;
3. Thể chế hóa vai trò cộng đồng,tạo cơ chế cần thiết tiếp nhận thông tin và bảo đảm tham gia;
4. Bảo đảm tăng cường năng lực cũng như nguồn lực để cộng đồng thực hiện chức năng bảo tồn.
2.2. Những đề xuất khác
1. Thể chế hóa đến mức cần thiết việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, bao gồm việc định hình cơ quan tiếp nhận, giải quyết việc này.
2. Quy định cụ thể việc định lượng ĐDSH trong đánh giá tác động (môi trường, kinh tế, xã hội,…)
3. Đột biến trong hệ thống tổ chức: Quy định thống nhất về tổ chức việc quản lý đa dạng sinh học vào một mối, tránh không để kéo dài tình trạng chồng chéo như hiện nay.
III. Vai trò quan trọng của tư vấn pháp luật và truyền thông của Mạng lưới các đối tác ĐDSH và mong muốn của VACNE
1. Vai trò quan trọng của tư vấn pháp luật và truyền thông
Theo kinh nghiệm 30 năm hoạt động của VACNE, bất cứ hình thức tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học nào muốn thành công đều phải quan tâm đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới việc thay đổi hành vi của xã hội theo chiều hướng mong muốn. Mặt khác, nếu chỉ chú trọng công tác truyền thông cũng chưa đủ vì thực tiễn bảo tồn ngày càng phức tạp, các quy định pháp luật ngày càng nhiều, lại liên quan cả đến luật pháp quốc tế, nên việc tư vấn pháp luật bảo tồn cũng là đòi hỏi bức xycs của cộng đồng, cần được đáp ứng kịp thời, đi thẳng vào những vụ việc cụ thể ở địa phương.
2. Năng lực hiện tại của VACNE về tư vấn pháp luật bảo tồn đa dạng sinh học
- Về tổ chức: Có Ban Tư vấn phản biện xã hội về Tài nguyên và Môi trường gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học; các luật sư, các cán bộ có kinh nghiệm quản lý môi trường, đa dạng sinh học, am hiểu pháp luật trong và ngoài nước;
- Về phương pháp: đã xây dựng hoàn chỉnh phương pháp TV PBXH trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, được sử dụng để giảng dạy trong trường cũng như tập huấn cho các tổ chức hội và cộng đồng;
- Đang cùng Vụ Chính sách và Pháp chế của Tổng cục Môi trường xây dựng đề án thành lập Mạng lưới tư vấn pháp luật về môi trường, hiện đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia;
- VACNE đã tổ chức tư vấn, phản biện có kết quả đối với nhiều vụ việc, được đánh giá tốt, điển hình như Ý tưởng dự án Tam Đảo 2, Xả thải nước của Công ty Vedan, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua VQG Cúc Phương, Khai thác bauxit Tây Nguyên, đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho dự thảo Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam, Luật đa dạng sinh học, đặc biệt là chương Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích,…
3. Năng lực của VACNE trong truyền thông bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học
- Về tổ chức: Ngay từ khi mới thành lập, Hội đã thành lập Ban Truyền thông môi trường gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông môi trường, tập hợp đông đảo các nhà báo, phóng viên, nhiều vị đang đứng đầu các đơn vị truyền thông, tổ chức sự kiện.
- Về các hình thức truyền thông được VACNE áp dụng và kết quả thực hiện:
+ Website www.vacne.org.vn “Môi trường với cộng đồng” là kênh truyền thông chính của Hội. Các tin mới do VACNE biên soạn được đăng tải hàng ngày.Lượng người truy cập trung bình ngày trên 10.000 đối với bản tiếng Việt và 2.000 đối với bản tiếng Anh;
+ Trang thông tin điện tử moitruong24h.vn là Diễn đàn của Trung ương Hội bắt đầu hoạt động từ Quý III/2016 có chuyên mục riêng về Tài nguyên; Thiên nhiên; Môi trường
+ Câu lạc bộ Đạp xe truyền thông môi trường kết nối Cây Di sản của các cựu chiến binh hoạt động truyền thông hàng tháng. Đây là tổ chức tiếp nối CLB C4E của các tình nguyện viên trẻ tuổi. Các CLB này đã có các chuyến truyền thông môi trường xuyên Việt, xuyên quốc gia sang Lào và Trung Quốc;
+ Các ấn phẩm truyền thông môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học được VACNE xuất bản đều đặn hàng năm cùng với các sự kiện được tổ chức liên tục như Trồng cây bóng mát cuộc đời, Vì Môi trường xanh quốc gia, Doanh nghiệp thân thiện môi trường,… Nhiều chương trình được mở rộng ra ngoài nước.
+ Thông qua kênh truyền thông của nhiều đơn vị thành viên như: moitruong.com.vn; tinmoitruong.vn, Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam,… và các đơn vị thông tin đại chúng là đối tác của VACNE
4. Mong muốn của VACNE
Với những trình bày vừa nêu, VACNE mong muốn được PPB giao VACNE làm chủ trì, làm đầu mối trong việc truyền thông và tư vấn pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học đối với cộng đồng.
Nếu được chấp nhận, VACNE sẽ huy động lực lượng trong và ngoài Hội, kể cả các cộng tác viên nước ngoài hoàn thành các nhiệm vụ PPB giao. VACNE tin tưởng sẽ đáp ứng được các yêu cầu của PPB.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh và TS. Lê Thanh Bình (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)