(Tin Môi Trường) - Chuyện vi phạm tác quyền ảnh vốn không mới. Nhưng lần này đáng tiếc ở chỗ người chụp ảnh và người lấy ảnh đều mong muốn có một công trình khoa học đầy đủ về các giống chim Việt Nam.
Bức ảnh khướu Ngọc Linh của Nguyễn Tuấn
Quyển sách Chim Việt Nam dày 1.200 trang vừa ra mắt đã gây tâm tư trong giới chụp ảnh chim Việt Nam bởi câu chuyện tác quyền.
Chim Việt Nam (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội ấn hành) là quyển sách đứng tên chung của cố GS Võ Quý (1929 - 2016) và PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn.
Buổi ra mắt sách chiều 15-5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng chụp ảnh chim của Việt Nam. Tuy nhiên, những bức ảnh được sử dụng trong quyển sách này lại làm họ bất ngờ bởi sự thiếu tôn trọng tác quyền của những người làm sách.
TS Lê Mạnh Hùng hiện đang công tác tại Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho hay anh phát hiện nhiều bức ảnh của mình được sử dụng trong sách mà không ghi tên tác giả, và bản thân TS Hùng chưa nhận được lời đề nghị hay xin phép nào của TS Sơn.
Trong đó, đáng kể nhất là bức ảnh con chim bồng chanh rừng TS Hùng chụp ở rừng Mường Nhé (Điện Biên). Để chụp được ảnh loài chim này, TS Hùng kể anh phải mất mười ngày nằm “phục” trong rừng, cộng thêm bốn ngày đi bộ trong rừng cả đi lẫn về.
TS Hùng trần tình: “Tôi và anh Sơn là bạn đại học, vừa nghiên cứu chung ngành. Hôm anh ra mắt sách, tôi và nhiều anh em chụp chim nữa cũng đến.
Chúng tôi không mong đợi gì nhiều, chỉ mong anh Sơn nói ra một lời cảm ơn đối với sự chia sẻ những bức ảnh của chúng tôi thì đôi bên sẽ thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, đợi cả buổi mà vẫn không thấy”.
TS Hùng cho hay anh đã gửi email cho TS Sơn yêu cầu giải thích về vấn đề này, nhưng đến nay anh chưa nhận được sự trả lời từ phía tác giả quyển sách.
Bức ảnh khướu Ngọc Linh được sử dụng trong sách Chim Việt Nam- Ảnh: Nguyễn Tuấn cung cấp
Cũng như TS Hùng, một nhiếp ảnh gia chụp chim khác là Nguyễn Tuấn có bức ảnh loài chim đặc hữu khướu Ngọc Linh được sử dụng trong sách.
Bức ảnh trong sách có đề tên anh, nhưng Nguyễn Tuấn bức xúc nói anh chưa nhận lời xin phép nào từ những người làm sách. Hơn nữa, đây là quyển sách được khai thác thương mại, đồng nghiệp anh mua với giá 1.200.000 đồng/cuốn.
Nguyễn Tuấn kể thêm khướu Ngọc Linh là loài chim hiếm đặc hữu của Việt Nam, nên giới khoa học quốc tế dùng địa danh núi Ngọc Linh đặt tên cho loài chim này.
Năm 2015, Nguyễn Tuấn cùng nhiều nhiếp ảnh gia phải bỏ ba ngày leo lên đỉnh Ngọc Linh “mai phục” loài chim.
Anh tự hào: “Do sự khó tiếp cận đỉnh núi Ngọc Linh nên số người chụp được loài chim quý này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”. Phía sau mỗi bức ảnh chụp chim là cả một quá trình nghiên cứu và mua sắm thiết bị, băng rừng lội suối...
Loài chim càng quý, ở vùng rừng cao núi thẳm thì công sức người chụp càng đổ ra nhiều. Khi được hỏi sẽ bảo vệ những bức ảnh của mình như thế nào.
Nguyễn Tuấn nói: “Thực ra anh em chúng tôi - những người bị lấy ảnh nhưng không được xin phép - chỉ mong lời giải thích thỏa đáng. Chỉ cần thái độ cầu thị với nhau thì ổn thỏa thôi. Nhưng nếu họ vẫn không tôn trọng quyền tác giả, chúng tôi mới nghĩ đến biện pháp có tính pháp lý.
Thật ra dẫn đến như vậy là chuyện không vui, nhưng cũng cần lên tiếng để bảo vệ quyền tác giả, hơn nữa là góp phần nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả trong cộng đồng!”.