(Tin Môi Trường) - Thời gian gần đây, tình hình phát triển thủy điện nhanh chóng ở các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là về phát triển thủy điện dòng chính thu hút sự quan tâm của dư luận. Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình giám sát tác động môi trường hướng tới mục tiêu sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan lưu vực sông Mê Kông là vấn đề cần được quan tâm.
Pắc-Beng là công trình thủy điện đầu tiên từ thượng nguồn của bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở hạ lưu vực, nằm trong lãnh thổ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và cách Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam tại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia 1933 km. Đây là công trình thủy điện thứ ba Lào thông báo xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, sau công trình thủy điện Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông. Công trình Pắc-Beng có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (90%). Chủ đầu tư Dự án thủy điện Pắc-Beng là Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc.
* Các chuyên gia nói gì?
Theo đánh giá sơ bộ của nhóm công tác quốc gia về tác động của Dự án thủy điện Pắc-Beng, bất kỳ tác động bất lợi nào từ việc suy giảm chất lượng nước, tải lượng dinh dưỡng đều gây tác động và quan ngại của gần 20 triệu người dân khu vực ĐBSCL. Tác động tích lũy của Dự án thủy điện Pắc-Beng cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL. Bên cạnh đó, những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng có xu thế diễn biến bất thường và dự báo gia tăng do tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính Mê Công.
Ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Công cho biết về thủy văn, thủy lực, do số liệu đánh giá từ Lào đưa ra chưa chính xác, đầy đủ nên phương pháp tính toán các trận lũ để thiết kế so sánh cần phải được kiểm tra, so sánh của Ủy hội sông Mê Công. Về tác động xuyên biên giới, thiếu đánh giá tác động xuyên biên giới ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam gây thiếu nước ngọt về đồng bằng, gia tăng xâm nhập mặn ở sông Tiền, sông Hậu sau vào nội địa.
Về phù sa bùn cát, số liệu lấy từ công trình thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc (1984-1988), nên không chính xác, cần tiến hành quan trắc tại khu vực làm dự án. Thiếu thông tin về lịch vận hành của đập thủy điện, về thay đổi mực nước giờ và hàng ngày gây ra mất ổn định bờ sông, về tương tác của Pắc-Beng với các thủy điện khác đã và đang được xây dựng trên lưu vực sông Mê Công. Cần thu thập thêm thông tin về các đặc điểm địa mạo của sông,kênh phía thượng lưu và hạ lưu, để nâng cao khả năng dự đoán các tác động tiềm tàng do vận hành của dự án (ví dụ như khả năng xói mòn, tính mất ổn định lòng sông và bờ sông); Thiết kế công trình chỉ ưu tiên về phát điện, vì vậy tác động hạ du và môi trường không được quan tâm đúng mực (không tối đa hóa vận chuyển bùn cát qua đập).
Chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm cho rằng, tài liệu về thủy điện Pắc-Beng thiếu rất nhiều thông tin, thông tin không thống nhất trong một báo cáo. Trước đây, Trung Quốc cũng đã xây 6 thủy điện nên dự án Pắc-Beng phải được thiết kế theo các tiêu chuẩn, quy định của Trung Quốc nhằm đánh giá tác động của các công trình thượng nguồn và cả những công trình dưới hạ du. Trong số 11 công trình thủy điện của Lào và Campuchia trên dòng Mê Công dự kiến thì mỗi công trình có một chủ đầu tư khác nhau, mỗi chủ lại thực hiện theo các tiêu chuẩn khác nhau, không đồng nhất sẽ gây hậu quả. Vai trò của Ủy hội sông Mê Công là gì? Vấn đề an toàn công trình của thủy điện Pắc-Beng ra sao? Phía Lào hầu như không có thông tin vì vậy hậu quả đối với vùng hạ lưu ở ĐBSCL là rất lớn, gây xâm nhập mặn, xói lở mức độ cao.
Còn theo ý kiến của các chuyên gia thủy sản, kết luận từ các tài liệu về công trình Pắc-Beng của chủ đầu tư không đánh giá đúng mức các tác động tiềm tàng và tầm quan trọng nguồn lợi thủy sản cũng như nghề cá trong vùng này. Số liệu nền rất hạn chế, phiến diện dẫn đến thiếu cơ sở khoa học để đánh giá tác động và thiết kế các giải pháp giảm thiểu tác động. Thiếu các số liệu về đa dạng loài, sinh thái học của việc di cư xuôi dòng và ngược dòng, sản lượng, tập tính sinh học, quy mô nghề cá trong vùng bị ảnh hưởng và các phân tích sinh kế liên quan. Nếu thay đổi dòng chảy, dinh dưỡng, phù sa... sẽ thay đổi đến nguồn lợi thủy sản đặc biệt là nguồn lợi cá tự nhiên. Điều này chứng minh rõ khi có 8 thủy điện của Trung Quốc, sản lượng cá trên dòng Mê Công giảm, trọng lượng cá cũng giảm, ít cá to. Có khoảng 60% thành phần loài di cư bị giảm sút. Sản lượng nuôi trồng cá ở ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng do chất lượng nước, dòng chảy thay đổi. Với thiết kế thủy điện Pắc- Beng, đường dẫn cá như vậy rất khó giúp cá di chuyển.
*Ứng phó, giảm thiểu tác động môi trường
Trước những ý kiến quan ngại về tác động của các hoạt động phát triển thủy điện trên thượng nguồn nói chung và công trình thủy điện Pắc - Beng nói riêng và các vấn đề ảnh hưởng tới ĐBSCL, tại hội thảo “Tham vấn quốc gia Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Công của Lào”, các chuyên gia tài nguyên nước đã đưa ra những khuyến nghị với chủ đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan lưu vực sông Mê Công.
Trong đó, các chuyên gia đề nghị chủ đầu tư cần sử dụng mô hình hai chiều để nghiên cứu khả năng ngập các vùng đất nông nghiệp và khu dân cư ở Thái Lan. Bởi thiết kế hiện tại của dự án thủy điện Pắc-Beng không phù hợp đối với việc tối ưu hóa việc xả cát và phù sa hạt to theo chu kỳ mùa và chu kỳ hàng năm, do vậy, chiến lược quản lý phù sa bùn cát phải đảm bảo phù sa bùn cát được xả theo chu kỳ mùa hoặc năm, chứ không chỉ xả khi lưu lượng lớn hơn 5,961 m3/s. Việc quản lý và vận hành phù sa bùn cát tại Pắc-Beng phải được điều phối cùng với vận hành các công trình thủy điện khác trong vùng nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tối đa năng lượng.
Hơn nữa, cần thực hiện đánh giá tác động tích lũy và xuyên biên giới về thay đổi chế độ thủy văn, hình thái sông, vận chuyển phù sa bùn cát tới chất lượng nước, sinh cảnh và hệ sinh thái thủy sinh tại các khu vực thượng lưu, hạ lưu đập và khu vực ĐBSCL. Việc đánh giá tác động này phải được thực hiện trên cơ sở tích hợp của dự án thủy điện Pắc-Beng vói các dự án thủy điện khác như thủy điện Trung Quốc trên sông Lan Thương, thủy điện trên dòng nhánh và các công trình thủy điện dòng chính đang xây dựng như Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông.
Ngoài ra, chủ đầu tư nên cải tiến lại thiết kế đường dẫn cá trên cơ sở thực hiện nghiên cứu khả thi bao gồm việc tính toán thủy lực, sử dụng mô hình để tìm hiểu các điều kiện cần khắc phục và tối ưu hóa bản thiết kế liên quan đến di cư của tất cả các loài cá với kích thước khác nhau và ở các giai đoạn vòng đời khác nhau.
Ủy hội sông Mê Công quốc tế cũng cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các hoạt động sau tham vấn làm cơ sở cho việc chia sẻ thông tin giữa chủ đầu tư, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và cộng đồng về các thông tin liên quan tới áp dụng biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và kết quả thực hiện chương trình giám sát tác động môi trường.