Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quy hoạch du lịch Sơn Trà - Không còn chỉ là quy hoạch hay du lịch

(20:34:35 PM 14/05/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 11/5, buổi làm việc giữa Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng không chỉ “không tìm được tiếng nói chung nào” mà còn “gây bão” trong công luận tới mức ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An phải “phát điên” (chắc không chỉ mình ông Sự) khi nghe đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định “Quy hoạch đã làm đúng quy trình rồi nên không điều chỉnh”.

Không “phát điên” sao được khi Tổng cục Du lịch đâu có thẩm quyền và Thủ tướng đã giao cho Bộ VHTT&DL và UBND TP. Đà Nẵng xem xét ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo đúng quy định? Không “phát điên” sao được khi đưa cái lý sự “đúng quy trình thì không điều chỉnh”. Quy trình được pháp luật quy định thì phải tuân theo, nhưng đúng quy trình đâu có nghĩa là nội dung đúng. Đó là chưa kể tới cách ứng xử vừa “cửa quyền” vừa “ấu trĩ” theo kiểu “cấm cửa báo chí” trong khi nội dung không có gì thuộc diện bí mật quốc gia hay nội bộ cơ quan nhà nước (vì một bên là Hiệp hội) và công luận đang rất quan tâm.

 

Quy hoạch du lịch Sơn Trà - Không còn chỉ là quy hoạch hay du lịch

Loài voọc sinh sống trên bán đảo Sơn Trà.
 
Chắc không chỉ ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An “phát điên” vì ngay ngày hôm sau, ngày 12/5/2017 đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải có văn bản yêu cầu “Bộ VHTT&DL, UBND Thành phố Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo xem xét ý kiến của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng một cách thật sự khoa học và cầu thị; thông tin đầy đủ cho công luận”. Chỉ cần chú ý mấy chữ “thật sự khoa học và cầu thị’ và “thông tin đầy đủ cho công luận” là thấy rõ.
 
Người viết bài này muốn Bộ VHTT&DL, UNND TP. Đà Nẵng cần đặc biệt lưu ý từng chữ mà Phó Thủ tướng đã chỉ đạo để xử lý vấn đề có lý, có tình, đúng thẩm quyền, quy định, vì lợi ích chung. Đặc biệt là cần công khai đầy đủ thông tin cho công luận, không để tình trạng “u u, minh minh”, nửa kín nửa hở.
 
Xem lại công văn số 3206/VPCP-KGVX ngày 3/4/2017, Thủ tướng chỉ đạo 2 nội dung: Thứ nhất, yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; thứ hai, yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng báo cáo cụ thể về vụ việc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà (được rất nhiều báo phản ánh với các hình mấy chục trụ bê tông và đất đá ngổn ngang), báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2017.
 
Dễ thấy là nội dung thứ 2 thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản. Ngày 13/4/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản số 96/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ khá rõ về nội dung thứ hai này. Riêng về nội dung thứ nhất chỉ có mấy dòng là đang phối hợp cùng Bộ VHTT&DL xem xét.
 
Thực chất thì Bản Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký tại Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 9/11/2016 là bản quy hoạch có tính định hướng về phát triển du lịch. Để có thể có dự án đầu tư, xây dựng các công trình theo Quy hoạch này còn phải qua rất nhiều bước liên quan tới quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung của cả TP. Đà Nẵng, quy hoạch các phân khu...) và nhiều quy định khác. Chỉ riêng liên quan tới quy hoạch xây dựng cũng phải mất hàng năm.
 
Có nghĩa là Bản Quy hoạch du lịch này chưa hề được triển khai trên thực tế, nên nếu có điều chỉnh thì cũng không gây hậu quả. Đích thân Phó Thủ tướng là người ký Quyết định đã yêu cầu xem xét một cách khoa học và cầu thị thì không lý do gì bên dưới không xem xét. Ở đây cũng cần nói rõ thêm, những công trình đã xây dựng, đang dang dở trên bán đào Sơn Trà mà báo chí lên tiếng không phải bắt nguồn từ Bản Quy hoạch này nên Bộ VHTT&DL có thể “vững tâm” để xem xét lại bản Quy hoạch mà không sợ bị “kiện tụng” bởi những chủ đầu tư các công trình này.
 
Về phía Đà Nẵng, trong suốt quá trình xây dựng, thẩm định, trình ký Bản Quy hoạch tổng thể du lịch này vai trò của UBND Thành phố là hết sức quan trọng, “có ý nghĩa rất quyết định” - như lời ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng nói trên báo chí.
 
Theo quy định thì các Khu du lịch quốc gia đều phải lập Quy hoạch tổng thể do Thủ tướng ký phê duyệt. Bộ VHTT&DL là cơ quan chủ trì, phối hợp với địa phương lập Quy hoạch còn Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chỉ là đơn vị tư vấn lập Quy hoạch. Chủ trương, nội dung Quy hoạch trước hết căn cứ vào yêu cầu và phục vụ cho sự phát triển của Đà Nẵng. Ngay từ khâu làm Đề cương bản Quy hoạch đã có sự tham gia, đồng ý của UBND TP. Đà Nẵng (văn bản số 6903/UBND-VX ngày 07/8/2013 của UBND TP. Đà Nẵng). Tới khâu hoàn thiện nội dung Quy hoạch, ngày 25/5/2015 UBND TP. Đà Nẵng cũng đã tổ chức cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì để lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch và ngày 19/6/2015, UBND Thành phố có băn vản số 4687/UBND-VX gửi Bộ VHTT&DL đồng ý dự thảo với một số góp ý cụ thể. Những góp ý này được tiếp thu trong bản Quy hoạch.
 
Việc Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng không được tham khảo ý kiến (như ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội bức xúc) trước hết thuộc về UBND TP. Đà Nẵng. Sau này, khi Hiệp hội (xin nhấn mạnh là Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chứ không phải Hiệp hội Du lịch Việt Nam) có ý kiến thì lẽ ra UBND Thành phố phải chủ động “vào cuộc” với đầy đủ trách nhiệm ngay chứ không nên “đứng ngoài” như vừa qua. UBND TP. Đà Nẵng nên và cần chủ động hơn trong việc tổ chức mời Hiệp hội và các cơ quan, kể cả Bộ, Tổng cục cùng các chuyên gia để cùng nghe, phân tích về các kiến nghị của Hiệp hội. Việc trao đổi, đối thoại công khai, trên các luận cứ khoa học là rất cần thiết vào lúc này.
 
Trở lại vai trò của Bộ VHTT&DL. Dù sao thì Bộ cũng là cơ quan trình Quy hoạch và đích thân Bộ trưởng đã “ký nháy” vào dự thảo Quyết định. Như vậy Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm về nội dung Bản quy hoạch, cho dù vai trò của Đà Nẵng rất quan trọng như trên hay Bản Quy hoạch đã được các Bộ liên quan kể cả Bộ NN&PTNT (quản lý về rừng), Bộ TN&MT (quản lý về đất đai), Bộ Quốc phòng (quản lý về an ninh quốc phòng) đồng ý (như lời Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch). Lẽ ra ngay khi Hiệp hội có ý kiến, Bộ cũng nên chủ động vào cuộc (cho dù trước đó Bộ đã lấy ý kiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam). Nay Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo thì lãnh đạo Bộ càng phải “vào cuộc” ngay, không nên “khoán” cho Tổng cục như vừa qua.
 
Khi công luận đang trông chờ với nhiều bức xúc qua những hành động, ứng xử chưa thật sự chuẩn mực vừa qua, thiết nghĩ cả Bộ VHTT&DL và UBND TP. Đà Nẵng cần phối hợp tổ chức một cuộc làm việc để các ý kiến được phân tích ngược xuôi, trên cơ sở khoa học, với tinh thần xây dựng, cầu thị và công khai minh bạch. Thái độ cầu thị, minh bạch của Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã rõ. Việc Bộ, Thành phố thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng về Bản Quy hoạch du lịch này không còn chỉ là vấn đề “Quy hoạch” hay “Du lịch” mà còn liên quan tới tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử với công việc và công luận.
 
Theo Nguyễn Trinh(Dân Trí)