Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giao lưu, giới thiệu sách mới CHIM VIỆT NAM

(18:41:01 PM 13/05/2017)
(Tin Môi Trường) - Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – l’Espace tổ chức buổi Giao lưu, giới thiệu sách mới CHIM VIỆT NAM, với sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (đồng tác giả sách) và ông Đặng Ngọc Sầm Thương (nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh chim hoang dã). Chương trình diễn ra vào: Thứ hai ngày 15/05/2017 lúc 18h. Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội)

 Giao lưu, giới thiệu sách mới CHIM VIỆT NAM

Chương trình diễn ra vào: Thứ hai ngày 15/05/2017 lúc 18h. Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) 
 
Đất nước Việt Nam thật đẹp. Trải dài qua nhiều vĩ tuyến, Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loại rừng, nhiều hệ sinh thái tự nhiên và nhiều tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, nhiều loài sinh vật, cả động vật lẫn thực vật, đã giảm số lượng một cách nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Một số loài đang đứng trước ngưỡng cửa diệt vong. Có những loài như bò xám, tê giác… thậm chí đã không còn tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do hoạt động của con người. Thêm vào đó, phát triển kinh tế ồ ạt và việc ô nhiễm không khí, nước, đất ngày càng nghiêm trọng cũng có tác động tiêu cực. Trái đất ngày càng nóng lên, biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thiên nhiên cực đoan đang là mối lo ngại lớn của loài người và đe dọa đa dạng sinh học.
 
Thực tế là tất cả chúng ta đều phải dựa vào đa dạng sinh học để tồn tại. Nhưng liệu chúng ta có thành công trong việc tìm ra một phương thức tồn tại và phát triển trong giới hạn của vốn tự nhiên hay không ? Nhất thiết phải tìm ra được câu trả lời và bắt tay vào hành động. Chậm trễ sẽ làm tăng mức độ suy thoái đa dạng sinh học. Không có giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Mỗi thành viên của cộng đồng toàn cầu có một vai trò: một số làm những việc lớn, một số làm những việc nhỏ, nhưng mỗi người đều đóng góp phần mình vào giải quyết toàn bộ vấn đề. Tất cả chúng ta đều cần phải hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề này. Nếu không tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi vì tất cả chúng ta đều chia sẻ một mẹ Trái đất. Trân trọng, yêu quý và làm tỏa sáng đấng sinh thành – mẹ Trái đất là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
 
Cùng chia sẻ trách nhiệm đó, cố giáo sư Võ Quý và người cộng sự trẻ là Phó giáo sư Nguyễn Lân Hùng Sơn đã cho ra mắt cuốn sách CHIM VIỆT NAM. Đây là cuốn sách giới thiệu hoàn chỉnh nhất về khu hệ chim Việt Nam nói riêng và thế giới các loài chim nói chung. Với 906 loài chim hiện biết ở Việt Nam, mỗi loài đều ẩn chứa trong đó nhiều sự quyến rũ không chỉ là sự sặc sỡ của bộ lông vũ, tiếng hót lảnh lót, du dương mà là cả những câu chuyện về tập tính kỳ lạ của chúng. Với những bức ảnh màu minh họa, người đọc có thể nhận diện được vẻ đẹp của nhiều loài chim mà không dễ gì có thể gặp được ở ngoài tự nhiên. Qua phần giao lưu với chính tác giả cuốn sách - PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn và nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh chim hoang dã Đặng Ngọc Sâm Thương, khán giả sẽ được hiểu thêm những câu chuyện đi tìm chim và những câu chuyện về chim hoang dã Việt Nam. Tại buổi giao lưu, khán giả cũng sẽ được tham quan triển lãm và chiêm ngưỡng bộ ảnh tuyệt đẹp về chim Việt Nam của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước. Bạn muốn chụp chim nhưng chưa biết cách chụp cho đẹp, bạn muốn đi xem chim nhưng không biết xem ở đâu… Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp thỏa đáng trong buổi gặp gỡ giao lưu đặc biệt và đầy ấn tượng này. 

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, sinh năm 1976, là Trưởng Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. Vẻ đẹp lộng lẫy của những bộ lông vũ, tiếng hót mê ly của các loài chim đã mê hoặc ông ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Với sự dẫn dắt của người thầy, nhà bảo tồn thiên nhiên và môi trường tiên phong của Việt Nam - Giáo sư Võ Quý, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu chim ở Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc công bố các công trình khoa học liên quan đến khu hệ chim Việt Nam, điều quan trọng hơn là ông đã truyền lửa cho các thế hệ sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh và cả cộng đồng về niềm đam mê nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng. Những câu chuyện về chim của ông luôn làm cho người nghe tò mò và thích thú muốn khám phá. Ông luôn tâm niệm, để mọi người yêu thiên nhiên thì trước hết phải cho mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và từ đó sống thân thiện với thiên nhiên, với động vật hoang dã và tạo nên tình người. 

 

Ông Đặng Ngọc Sâm Thương, sinh năm 1969. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ chế biến thực phẩm ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông vào làm việc ở Công ty Amanda Foods Vietnam. Niềm đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã đã đưa ông đến với sở thích đi đây, đi đó tới các vùng miền của tổ quốc để tìm kiếm, chiêm ngưỡng và ghi lại hình ảnh các loài chim qua ống kính. Những bức ảnh về chim Việt Nam của ông tựa như những tác phẩm nghệ thuật mà thiên nhiên đã tạo hóa ban tặng cho chúng. Đằng sau những bức ảnh đẹp về các loài chim là cả một sự đam mê vượt qua bao khó khăn để có được chúng và chia sẻ với mọi người.
Nguyễn Thị Hồng, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – l’Espace