Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thêm 14 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(18:21:34 PM 13/05/2017)
(Tin Môi Trường) - Ngày 11/5/2016, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, công nhận thêm 14 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ngãi và An Giang vừa mới gửi về

Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, công nhận thêm 14 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam

Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, công nhận thêm 14 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam -Ảnh: VACNE

 
Đây là những cây đầu tiên, được Hội đồng lựa chọn sau sự kiện “Gặp gỡ 7 năm Cây Di sản Việt Nam”. Và nếu như tất cả những cây này, đều được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì số lượng Cây Di sản Việt Nam ở nước ta đã lên tới con số 2.685 cây..
 
Ngoài 02 cây (Đa và Gạo) bị loại do chưa đủ tiêu chí và chưa đảm bảo khả năng bảo vệ, xã Giao Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vẫn là địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất (5 cây), được lựa chọn trong cuộc họp Hội đồng lần này. Cụ thể là: 01 cây Đa gần 200 năm ở xóm Thanh Long, 02 cây Bồ đề gần 170 năm ở chợ Thanh Nhang, 01 cây Muỗm trong khuôn viên chùa Thanh Quang, làng Thanh Mỹ, 01 cây Gạo làng Thanh An, 01 cây Đa ở miếu làng Thanh Tân. Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn có cây Gạo khổng lồ  gẩn 250 năm (có chu vi thân hơn 8 mét) trong khuôn viên đền làng Phú Ân, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường cũng được Hội đồng công nhận đạt tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
 
Tuy được xét công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, nhưng nhiều cây của tỉnh Nam Định vẫn được Hội đồng nhắc nhở và yêu cầu địa phương phải cam kết mở rộng không gian sống cho cây.
 
Thành phố Hải Phòng, là địa phương xếp thứ hai, với 04 cây được công nhận đủ tiêu chuẩn công nhận Cây Di sản Việt Nam. Bao gồm: 01 cây Nhãn hơn 200 năm ở đền Gắm, thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng; 01 cây Thị gần 300 năm trong khuôn viên từ đường họ Đỗ, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên và 02 cây (cây Đại và cây Thị) có tuổi trên 200 năm trong khuôn viên đền-chùa Dương Khánh, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo.
 
Trong số những hồ sơ đề nghị xét duyệt công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này, có cây Đa cổ thụ của một gia đình tiền bối Cách Mạng tại trung tâm khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đăng ký cũng được Hội đồng công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây Đa Sộp trên 300 năm trong khuôn viên của gia tộc họ Võ (tướng Vũ Đăng Khôi – người có công giúp vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi), cùng con cháu định cư lập nghiệp ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho tới ngày nay.
 
Tất cả những hồ sơ cây cổ thụ do Chi cục Kiểm Lâm tỉnh An Giang  gửi về, đề nghị xét công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này đều được Hội đồng chấp thuận. Cụ thể là 03 cây Bằng lăng nước có tuổi từ 215 đến hơn 300 năm trong khu vực miếu Bằng Lăng, xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân. 
 
Đặc biệt, tất cả các nhà khoa học, các thành viên tham gia cuộc họp Hội đồng Cây Di sản Việt Nam lần này, đều bày tỏ mong muốn: Lãnh đạo Liên Hiệp các Hội Khoa học Việt Nam cần hỗ trợ về mặt pháp lý, để VACNE tiếp tục hoạt động, xứng đáng với Bằng khen của Liên hiệp Hội, về “Thành tích xuất sắc trong hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam giai đoạn  2010-2016”. 
Nguồn: VACNE