(Tin Môi Trường) - TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều bất cập như: Ngập lụt, ách tắc giao thông, biến đổi khí hậu…Đâu là giải pháp tổng thể cho thành phố lớn nhất cả nước này.
Ảnh minh hoạ: IE
Mối lo úng ngập
Nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều tiền của và công sức cho vấn đề này, như nâng cấp hệ thống thoát nước thành phố, khơi thông hệ thống kênh rạch, góp phần thoát nước và làm đẹp, trong sạch môi trường thành phố. Song, thực tế tình trạng ngập lụt càng phát triển lan rộng, đã đến lúc thành phố cần có một chiến lược xuất phát từ vấn đề “gốc”, chứ không chỉ loay hoay kiểu “đắp đập, be bờ” như hiện nay. Qua khảo sát tình hình xây dựng nhiều năm gần đây cho thấy, thành phố chưa quan tâm đến vấn đề lớn nhất là “cos xây dựng”. Việc cấp giấy phép của các cấp cho xây dựng nhà ở, các công trình xây dựng khác không ghi “cos xây dựng” hoặc có ghi thì lấy cos công trình bên cạnh, nhiều khu đô thị quy hoạch 1/500 và xây dựng theo cos hiện trạng. Một số chủ đầu tư tự nâng cos xây dựng lên để xây dựng vì họ sợ tình trạng ngập lụt khó cho việc kinh doanh… Thực tế đó đã tạo ra tình trạng đô thị này đổ nước vào đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước và “càng đầu tư càng ngập”.
Vậy phải xây dựng thành phố thế nào để giải quyết tình hình ngập lụt hiện tại và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai?
Xét về điều kiện địa hình, nhìn chung thành phố Hồ Chí Minh có địa hình tương đối bằng phẳng và thấp với một số gò triền phía Tây - Bắc và Đông - Bắc, độ cao mặt đất có xu hướng giảm dần từ phía Tây - Bắc về phía Nam và Đông Nam.
Khu vực có dạng gò triền lượn sóng phân bố lớn ở các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, phía Bắc quận Thủ Đức, quận 9, phía bắc huyện Bình Chánh. Cao độ từ 4m - 10m chiếm khoảng 19% tổng diện tích; vùng có độ cao trên 10m chiếm 11% tổng diện tích.
Khu vực địa hình dạng thấp phân bổ ở nội thành phố, phần đất của huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức nằm dọc theo sông Sài Gòn và phần phía Nam huyện Bình Chánh. Cao độ thay đổi từ 2 - 4m chiếm khoảng 15% diện tích.
Khu vực địa hình dạng trũng thấp tạo thành một vệt kéo dài từ phía Nam huyện Củ Chi (xã Thảo Mỹ, Tam Tân vòng về phía Tây từ Bình Chánh (dọc kênh An Hạ, Lê Minh Xuân, Tân Nhật, đến phía Nam huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Đông Nam huyện Bình Phước, huyện Bình Chánh). Cao độ từ 0 - 2m chiếm khoảng từ 55% diện tích đất (cao độ quốc gia).
Xét về điều kiện thủy văn, thành phố nằm ở vùng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, chế độ thủy văn - thủy lực của kênh rạch, sông ngòi không những chịu ảnh hưởng của địa hình thành phố (phần lớn thấp dưới 2m), của chế độ bán nhật triều biển đông mà còn chịu tác động rất rõ nét của việc khai thác các hồ bậc thang ở thượng lưu hiện nay và trong tương lai như các hồ chứa Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ…
Hệ thống sông rạch chằng chịt với tổng chiều dài 7955 km. Tổng diện tích mặt nước chiếm 16%. Mật độ dòng chảy trung bình 3,80km2, như vậy, phần địa hình thấp trũng có độ cao dưới 12m và mặt nước chiếm 61% diện tích tự nhiên, lại nằm trong vùng cửa sông với nhiều công trình điều tiết lớn ở thượng nguồn nên nguy cơ ngập úng lớn.
Sụt lún tăng nhanh
Qua tổng hợp kết quả đo kiểm mốc độ cao khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014, 2015 của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (Bộ TN&MT) cho thấy, vùng đất tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng lún sụt. Trong đó, nhóm nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển của mảng kiến tạo, quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co ngót tự nhiên của lớp trầm tích honocen trẻ.
Nhóm nguyên nhân do con người tác động như khai thác nước ngầm, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông.
Dựa trên sơ đồ phân vùng lún cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra lún với tốc độ lớn trên 10cm trong vòng 10 năm tại quận Bình Chánh, Nam quận Bình Tân, quận 8, quận 7, Đông quận 12, Tây quận Thủ Đức, Bắc huyện Nhà Bè với tổng diện tích 239 km2. Cá biệt có những nơi lún tới 73cm/10 năm, từ năm 2005 - 2015. (Tại mốc trên sân Trung tâm văn hóa Thể dục Thể thao tại phường An Lạc quận Bình Tân; 44cm/10 năm (mốc tại sân Trung tâm Y tế Bình Chánh, xã Tân Túc huyện Bình Chánh.
Qua nghiên cứu tình hình về điều kiện khí hậu, thủy văn khu vực thành phố Hồ Chí Minh; kết quả quan trắc hiện tượng lún sụt, kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam; có thể nói, cuối thế kỷ này, toàn bộ những vùng đất có độ cao nhỏ hơn 4m tại thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập nước và những phần diện tích xây dựng không thuận lợi chiếm tới 60 - 70% tổng diện tích tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh.
Đề xuất xây dựng thành phố mới trong tương lai?
Trước những nguy cơ kể trên, để xây dựng tương lai bền vững cho đô thị TP. Hồ Chí Minh bắt buộc phải lựa chọn những vùng đất có độ cao từ 4m trở lên. Qua nghiên cứu địa bàn toàn TP. Hồ Chí Minh, vùng đất xây dựng thành phố mới phù hợp nhất là huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn với diện tích tự nhiên thuận lợi cho xây dựng đô thị khoảng gần 80 nghìn ha, trong đó, có hơn 70% diện tích xây dựng thuận lợi. Ngoài ra, những diện tích còn lại là hồ chứa, kênh rạch và rừng tự nhiên.
Đây là mảnh đất có nhiều địa đạo trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nó là một phát hiện quan trọng trong khoa học quân sự, trong việc sử dụng chiến tranh nhân dân giữ nước và dựng nước mà thế giới không có. Việc xây dựng đô thị trên mảnh đất này có tác dụng nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào khu vực, cũng là trả ơn của Đảng, nhân dân cho bao liệt sỹ anh hùng đã hi sinh trên mảnh đất này.
Xét về cơ sở pháp luật trong việc đề xuất xây dựng thành phố mới, tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 quy định: “Phát triển khu đô thị mới quy mô là: khu đô thị Tây - Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn có diện tích khoảng 6.000 ha và khu đô thị Cảng Hiệp Phước huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 3.900 ha (diện tích sông rạch khoảng 1 nghìn ha)”.
Như vậy, quy hoạch tới năm 2025 cũng đã tính đến việc phát triển khu đô thị mới Củ Chi, nhưng lúc đó chúng ta chưa có tài liệu về tình hình lún sụt tại thành phố Hồ Chí Minh, kịch bản nước dâng của Việt Nam.
Về địa lý tự nhiên, qua nghiên cứu về đất đai thổ nhưỡng khu vực này, nghiên cứu về tính hình lún sụt toàn thành phố và khu vực Củ Chi, nghiên cứu tình hình nước biển dâng cho thấy, việc chuẩn bị xây dựng một thành phố mới tại khu vực này là phù hợp cho trước mắt và tương lai với vùng đất hàng trăm ngàn ha, có đường thủy, đường bộ, bến cảng, có rừng ngập mặn… Đây là mảnh đất lý tưởng để xây dựng một thành phố mới (kể cả là trung tâm hành chính) và giàu tiềm năng du lịch.
Về giao thông, xét đến quy mô của thành phố tương lai, ngoài hệ thống giao thông đường bộ hiện tại phải nâng cấp cải tạo; nâng cấp cải tạo các tuyển đường thủy, cần sớm đầu tư tuyến đường “Dự án đại lộ ven sông Sài Gòn” do một doanh nghiệp vừa đề xuất. Đây là một phát hiện nhằm giải pháp ùn tắc giao thông cho thành phố hiện tại và lâu dài.
Về việc xây dựng các công trình, xây dựng các khu đô thị mới hiện tại: UBND thành phố cần xác định lại một cos xây dựng chuẩn với độ cao 4m. Những công trình cấp đặc biệt, những khu đô thị mới hàng chục ha trở lên, phải bắt buộc nâng cos theo quy định mới được xây dựng. Những công trình khác Nhà nước giao đất có thời hạn 70 năm trở xuống buộc phải xây dựng với cos từ 2m trở lên. Như vậy, cuối thế kỷ này các công trình xây dựng mới vẫn phát triển. Việc đầu tư này mặc dù đắt hơn, nhưng chúng ta sẽ tạo cho thành phố một kiến trúc đa dạng, hệ thống giao thông phong phú, đáp ứng cho nhu cầu du lịch.