Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuyện tiếp quản Ngân hàng quốc gia Việt Nam cộng hòa

(07:21:00 AM 01/05/2017)
(Tin Môi Trường) - Những ngày tháng 4-1975, trong các cánh rừng của căn cứ R ở Tây Ninh, một đoàn tiếp quản đặc biệt đã chuẩn bị sẵn sàng.

>>Những ngày cuối cùng của ​Ngân hàng Quốc gia VNCH

 

 Chuyện tiếp quản Ngân hàng quốc gia Việt Nam cộng hòa 

Một lớp học tập của ngành ngân hàng được mở sau ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu
 
Ông Lữ Minh Châu, tức Ba Châu, nhân vật quan trọng trong hệ thống chuyển tiền của quân giải phóng được cài cắm ở Sài Gòn, kể lại: “Ngay trong nội thành, tôi nhận được chỉ thị yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiếp quản ngân hàng vì Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong tháng 5“.
 
Ông Ba Châu, về sau là tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết mình được giao nhiệm vụ trưởng Ban tiếp quản ngân hàng khi Sài Gòn được giải phóng.
 
“Giờ thứ 25” của Sài Gòn
 
7 giờ 53 phút sáng 30-4 ở số 17 Bến Chương Dương, Ngân hàng Quốc gia lẽ ra đã bắt đầu vào giờ làm việc buổi sáng thường nhật nhưng hôm ấy vắng hẳn. Cảnh sát dã chiến bảo vệ trước cổng đã lặng lẽ rút đi từ lúc nào.
 
Ngoài những người đang cố gắng tìm đường di tản vào phút cuối, một số nhân viên làm chuyên môn theo nếp quen vẫn đến trụ sở, nhưng hết đứng lại ngồi bên ngoài cánh cổng thép, nháo nhác nghe tin đoàn quân giải phóng đã vào đến Sài Gòn. Họ chẳng biết làm gì và thật sự cũng chẳng có gì để làm trong “giờ thứ 25” ấy của Sài Gòn.
 
Khi nghe tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố chính thức đầu hàng, một số viên chức tại Ngân hàng Quốc gia bỏ về với vợ con để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể đến như đồn đoán.
 
Đến chiều 30-4-1975, Ngân hàng Quốc gia và nhiều ngân hàng thương mại khác đã được quân giải phóng cử chiến sĩ vũ trang chốt giữ. Nhưng hầu hết họ chỉ bảo vệ vòng ngoài, không tiếp cận hệ thống kho hầm, sổ sách bên trong.
 
Ông Nguyễn Thành Nguyên, tức Hai Nguyên, ủy viên Ban tiếp quản ngân hàng từ căn cứ R vào Sài Gòn, kể: “Chúng tôi nghỉ đêm 30-4 ở Trường Cao Thắng. Các chỉ huy họp tổng kết chuyến đi đặc biệt này và lên kế hoạch cụ thể để hôm sau chia ra nhiều đoàn đi tiếp quản các ngân hàng. Rất mệt, nhưng không mấy người chợp mắt được. Cảm giác thật nôn nao”.
 
Sáng 1-5, nhóm tiếp quản này tìm đến Ngân hàng Quốc gia. Trên đường đi, họ gặp nhóm của ông Lữ Minh Châu.
 
Đến số 17 Bến Chương Dương, họ làm thủ tục tiếp nhận tòa nhà Ngân hàng Quốc gia với lực lượng quân giải phóng đã chốt giữ từ ngày trước. Một người leo lên tầng trên, treo lá cờ giải phóng và tổ chức lễ tiếp quản.
 
 Chuyện tiếp quản Ngân hàng quốc gia Việt Nam cộng hòa
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM được xây dựng nằm 1929-1930, từng là trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa từ năm 1957 đến 30-4-1975 - Ảnh: T.T.D
 
Trước số viên chức cũ của ngân hàng đang chờ đợi thủ tục chuyển giao, ông Lữ Minh Châu đọc lệnh tiếp quản và công bố quyền điều hành mới.
 
Một viên chức quản lý cũ có mặt báo cáo lại kết quả hoạt động của ngân hàng.
 
Những người trong đoàn tiếp quản thở phào nhẹ nhõm, không có sự phá hủy tài liệu hay tẩu tán tài sản và tiền vàng trong ngân hàng đầu não Sài Gòn.
 
Họ khóa sổ kho quỹ, niêm phong, tiếp nhận hồ sơ nhân sự, sổ sách tài liệu và cắt người bảo vệ các vị trí quan trọng như kho quỹ, tầng hầm trữ vàng...
 
Ông Trần Quang Bút, tức Năm Hải, cán bộ từ R ra, sau là trưởng phòng kế hoạch Vietcombank, kể lại trong Kỷ yếu 30 năm Vietcombank TP.HCM: “Ban tiếp quản ngân hàng triệu tập tất cả các tổng giám đốc, giám đốc các ngân hàng Sài Gòn tại hội trường số 17 Bến Chương Dương, nghe công bố danh sách Ban tiếp quản và nhận lệnh bàn giao toàn bộ hồ sơ, sổ sách, tài liệu và ngân quỹ cho Ban tiếp quản ngân hàng.
 
Anh Ba Châu kêu gọi tất cả công chức, nhân viên các ngân hàng trở lại nhiệm sở làm việc. Còn số anh em tiếp quản phân công nhau đi chiếm lĩnh các ngân hàng.
 
Sài Gòn lúc này rất yên tĩnh, tài sản của nhân dân thì không hề hấn gì. Đến ngày thứ ba, các tiệm, quán, nhà hàng bắt đầu mở cửa trở lại, chợ búa cũng bắt đầu họp.
 
Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của các đại sứ quán, các ngoại giao đoàn, cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài, một bộ phận của Việt Nam Thương Tín được lệnh bắt đầu hoạt động trở lại dưới sự điều hành của tôi”.
 
Kho tiền - vàng
 
Đoàn tiếp quản cảm thấy nhẹ nhõm và rất vui khi hầu hết sổ sách, chứng từ, tài liệu báo cáo hoạt động và tài sản ở các ngân hàng đều còn tương đối đầy đủ.
 
Thực tế không như một số tin đồn đã xảy ra như tiêu hủy, tẩu tán để quân giải phóng không thể tiếp quản được “mạch máu” nền kinh tế miền Nam.
 
Sau những ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất và nhân sự, nhiệm vụ kiểm kê kho quỹ các ngân hàng bắt đầu được thực hiện một cách chặt chẽ giữa các viên chức ngân hàng cũ, ban tiếp quản mới và đại diện công an...
 
Đến thời điểm 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của Việt Nam Cộng hòa còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.
 
Ngoài ra, một số vàng khá lớn và đá quý do các tư nhân ký gửi vẫn còn ở ngân hàng. Theo cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam, toàn bộ số tiền mặt của Việt Nam Cộng hòa thu được hơn 150 tỉ đồng.
 
Trong đó, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia 125 tỉ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng in hình các con thú mới chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỉ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỉ đồng.
 
Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối của chính phủ Sài Gòn cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138.798.820 USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thụy Sĩ.
 
Theo ông Lữ Minh Châu, tổng dự trữ ngoại hối của Sài Gòn như vậy là tương đối lớn tính theo thời giá lúc bấy giờ. Nó rất cần thiết để khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.
 
Tuy nhiên sau 1975, chính sách cấm vận của Mỹ đã phong tỏa hơn 97 triệu USD.
 
Số ngoại hối còn lại cũng chưa thể rút ngay được, trong khi lượng ngoại tệ bằng tiền mặt tiếp quản được cả hệ thống ngân hàng Sài Gòn chỉ hơn 201.000 USD.
 
Nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ tiếp quản là phải tìm cách thu hồi số ngoại tệ đang gửi ở nước ngoài của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, khẳng định quyền thừa kế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...
Ông Võ Phùng Thảo, sau là giám đốc chi nhánh Vietcombank TP.HCM, tường thuật lại cuộc gặp mặt đầu tháng 5-1975 giữa Ban tiếp quản ngân hàng và các nhân viên trong ngành ngân hàng Sài Gòn như sau:
 
“Hôm đó, đông đảo nhân viên các ngân hàng Sài Gòn có mặt. Họ được thông báo tới nghe đại diện Ban tiếp quản nói chuyện. Tới nơi, họ mới ngã ngửa ra rằng ông trưởng Ban tiếp quản ngân hàng Lữ Minh Châu chính là người quen biết, đã từng ngang dọc trong hệ thống ngân hàng miền Nam trước đây. Lúc ấy, tất cả các ngân hàng đều đặt dưới sự chỉ đạo của anh Châu. Việt Nam Thương Tín lúc đó có trụ sở chính ở số 79 Hàm Nghi, gồm hai bộ phận đối nội và đối ngoại. Bộ phận đối nội được giao về cho Ngân hàng Quốc gia do anh Ba Châu lãnh đạo. Bộ phận đối ngoại giao cho nhóm anh em Vietcombank quản lý, anh Năm Hải phụ trách”.
Theo Quốc Việt/TTO