(Tin Môi Trường) - Chặng đường 7 năm từ khi Cây Di sản Việt Nam đầu tiên được vinh danh, đến nay sự kiện đã lan tỏa và trở thành một phong trào quần chúng rộng khắp từ Bắc chí Nam với sự hướng ứng nhiệt tình của cộng đồng, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.
GS. TS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KTVN trao tặng cờ thi đua và bằng khen cho TƯ. Hội BV TNMT Việt Nam.
Tổng kết chặng đường 7 năm
Những cây cổ thụ đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nơi gắn liền với các hoạt động truyền thống mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam khắp mọi miền của Tổ quốc.
Hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động vào tháng 3/2010 đã khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường mà cụ thể là vun trồng bảo vệ rừng, bảo vệ cây: Cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam dù ở đâu cũng đều là "máu" là "thịt", là món quà thiên nhiên ban tặng, cùng sự chăm chút, nâng niu của các thế hệ cha ông. Giữ gìn vẻ đẹp của chúng là thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là sự tri ân với tổ tiên và cũng chính là bảo vệ sự sống, trong hệ sinh thái đa dạng và phong phú, góp phần giữ gìn môi trường sinh cảnh hài hòa.
Cái "áo Cây Di sản" có tác dụng là vậy song việc "khoác áo" cho chúng không hề đơn giản. Để thực hiện sự kiện Hội đã thành lập Hội Đồng Cây Di sản việt Nam gồm các nhà chuyên môn có liên quan trong lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật. Các thành viên của Hội đồng luôn đặt tôn chỉ không chỉ xét duyệt các hồ sơ cây gửi đến, khảo sát thẩm định tuổi và các thông tin về cây, mà bên cạnh đó còn tích cực tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, mục đích khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Biết trân trọng quá khứ, từ những chứng tích lịch sử, thông qua bảo tồn Cây Di Sản Việt Nam: là cầu nối tình đoàn kết giữa con người với nhau, cùng bảo tồn những giá trị tốt đẹp.
Danh hiệu Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện từ ngày 18 tháng 3 năm 2010. Sau 7 năm, 2.700 cây thuộc 100 loài thực vật trên 52 tỉnh,thành phố đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Trong 2 năm gần đây (2015-2016) có rất nhiều quần thể cây lớn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam như: quần thể cây Pơmu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) và ở Quế Phong (Nghệ An); quần thể Chè Shan tuyết Suối Gìang (Yên Bái); quần thể cây Bàng ở Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…Đặc biêt, có những Cây Di sản thuộc loài đặc hữu, quý hiếm như Đỗ Quyên cành thô Phanxipang (Vườn Quốc gia Hoàng Liên); cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre) và những cây đặc sắc, có tuổi đời nghìn năm như 02 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (Việt Trì, Phú Thọ), cây Nghiến đường kính thân tới 3m ở Bắc Hà (Lào Cai), cây Lim ở Bản Ven (Yên Thế-Bắc Giang)…đã thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến thăm, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hội đã rất tích cực truyền thông cho hoạt động bảo tồn như: xây dựng chuyên mục “Bảo tồn Cây Di sản” trên website đã thu hút lượng lớn truy cập và không ngừng tăng thêm; tổ chức cuộc ti viết về “Cây cổ thụ-Cây Di sản Việt Nam” phát động từ cuối năm 2014; phát Tờ rơi Cây Di sản; xuất bản cuốn sách “Cây Di sản Việt Nam”…Đây là hoạt động nhận được rất nhiều sự quan tâm của cơ quan nhà nước và giới truyền thông, báo chí trong nước.
Hoạt động mang nhiều ý nghĩa
Tiến sĩ. Nguyễn Ngọc Sinh phát biểu tại buổi gặp mặt 7 năm sự kiện bảo tồn Cây Di Sản Việt Nam
Việc tổ chức xét duyệt công nhận, vinh danh gắn bia Cây Di sản Việt Nam là hoạt động ý nghĩa góp phần phát huy vai trò và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khơi dậy tinh thần và ý thức cho thế hệ trẻ biết tri ân thế hệ trước, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Hơn nữa, các hoạt động này còn hàm chữa ý nghĩa giáo dục tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, trên đất liền cũng như bảo vệ môi trường, thu hút khách du lịch tạo thêm sinh kế cho địa phương.
Minh chứng cụ thể cho hoạt động ý nghĩa này chính là, Hội đã nhận được Bộ trưởng Bộ TN&MT trao tặng Bằng khen “Vì đã có tích xuất sắc trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2010-2015” và Liên hiệp các Hội KH&KTVN tặng Bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam giai đoạn 2015-2016” góp phần phát triển Liên hiệp các Hội Kh&KTVN.
Có được những thành tích và kết quả quý báu này là nhờ có sự kiên trì của lãnh đạo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị của VACNE; các Hội thành viên ở địa phương và sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt trước tệ nạn phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cuộc sống, nguồn nước ngày càng cạt kiệt vì tình trạng khai thác tài nguyên mà không có sự bảo tồn và quy hoạch hài hòa, thì việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây cổ thụ càng phải được nâng cao hơn nữa để bảo vệ cuộc sống tốt đẹp hơn.
GS TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam chia sẻ: Nhìn lại chặng đường 7 năm qua của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản, chúng ta đã gặt hái đước rất nhiều thành tích với số lượng lớn Cây Di sản được công nhận và ngày sẽ thu hẹp hơn số lượng các tỉnh, thành phố không có cây Di sản. Tuy nhiên, kết quả bảo vệ Cây Di sản hiện nay vẫn chưa xứng tầm với thực tế với tài nguyên cây cổ thụ chúng ta có. Bởi Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn vừa mang tính chủ quan lẫn khách quan trong việc bảo tồn song Hội sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng sẵn sàng vượt qua khó khăn để đưa hoạt động ngày thêm lan toả, đem lại giá trị thiết thực nhất trong việc bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững”.
Khi nói đến tầm quan trọng của hoạt động Bảo tồn Cây di sản, Y Khuôl Êban, Phó chủ tịch thường trực Hội BVTN&MT tỉnh Đắk Lắk tâm sự: “Hiện nay, nước bị cạn kiệt do cây rừng đầu nguồn bị khai thác quá mức, con người không ý thức trách nhiện nên cần cần việc bảo tồn cây cổ thụ lâu năm, tuyên truyền buôn làng, nhân rộng ý thức bảo vệ cây cổ thụ đặc biệt là bảo vệ rừng đầu nguồn, để ổn định nguồn nước phục vụ cuộc sống và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.”
Một Cây Di Sản trong khuôn viên di tích Đình – Đền – Chùa phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn Bắc Ninh
Trong suốt 7 năm qua, hoạt động bảo tồn Cây Di Sản Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên – Môi trường khẳng định: Đây là sự kiện có sự gắn kết cộng đồng, và thành công được là nhờ sức mạnh gắn kết của cả cộng đồng. Mong rằng, những hoạt động trên sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa trong thời gian tới, góp phần thiết thực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.