(Tin Môi Trường) - Ngày 27/4, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh phối hợp với Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) tổ chức hội thảo canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Hội thảo thu hút gần 400 nông dân, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh tham dự.
Sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu -Ảnh minh hoạ: TL
Theo bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hàng năm, tỉnh Trà Vinh có diện tích trồng lúa khoảng 234.000 ha, cho sản lượng 1,2 triệu tấn; trong đó tỷ lệ sử dụng giống lúa mới 90%, giống xác nhận 55%. Những năm gần đây, người trồng lúa thường xuyên gặp khó khăn do thị trường lúa gạo thiếu ổn định, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Trong 5 năm trở lại đây, sóng biển đã cuốn trôi 120 ha đất trên địa bàn huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Năm 2016, thiên tai hạn mặn đã làm thiệt hại gần 30.000 lúa; trong đó gần 20.000 ha bị mất trắng, diện tích còn lại giảm năng suất từ 30-70%.
Để đối phó biến đổi khí hậu, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài các giải pháp công trình, ngành nông nghiệp tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp phi công trình. Theo đó, ngành cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi theo hướng tái cơ cấu thích ứng biến đổi khí hậu cho từng tiểu vùng, mỗi năm chuyển khoảng 2.500 ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cỏ, cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản. Đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ và sử dụng các giống lúa thích ứng hạn, mặn.
Tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao; ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp cũng phát triển vùng sản xuất lúa giống cấp xác nhận, lúa đặc sản và lúa hữu cơ theo hình thức liên kết chuỗi.
Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu một số loại phân bón thông minh, nghe Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn phương pháp sử dụng phân bón đúng cách, kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn và ngộ độc mặn trong sản xuất lúa; thực hiện “một phải năm giảm”…
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ khuyến khích nông dân thực hiện biện pháp “một phải năm giảm” trong sản xuất lúa vì ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật này còn hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, nông dân phải sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Nông dân Dương Văn Châu, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, sau khi ứng dụng quy trình “một phải năm giảm”, năng suất lúa gia đình ông đã tăng vượt trội so với diện tích lúa không áp dụng quy trình đó. Ngoài ra, ông còn tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng/ha chi phí về giống lúa, vật tư nông nghiệp và tiền bơm nước.