(Tin Môi Trường) - Ông Nguyễn Đức Chung đã cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm
Dư luận đang bàn tán về cam kết của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm" chứ không cam kết là "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ người dân xã Đồng Tâm nào trong vụ việc"; ông Chung có thẩm quyền hay không?...
Chiều 22.4, sau khi đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm, kết quả tuyệt vời đã đạt được: nhân dân xã Đồng Tâm đồng ý thả 19 cán bộ, chiến sĩ công an bị nhốt, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ đích thân làm việc với nhân dân về kết luận thanh tra khi nào người dân đồng ý.
Và kết quả được mong chờ nhất, đó là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết: “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm".
Khi cam kết này được bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm đọc rành mạch trên loa trước toàn thể nhân dân thôn Hoành, hàng nghìn cánh tay đã giơ lên hoan hô.
Diễn tiến cuộc đối thoại và thuyết phục thả 19 cán bộ, chiến sĩ bị nhốt được báo chí thông tin cập nhật gần như tắp lự. Theo dõi vụ Đồng Tâm, nay có thể thấy ai cũng thở phào. Từ nay, nhân dân xã Đồng Tâm có thể yên tâm tiếp tục cuộc sống yên bình như vốn có, các cháu tiếp tục đến trường.
Người dân xã Đồng Tâm hân hoan đón đoàn do ông Chung dẫn đầu về đối thoại với nhân dân
Tuy nhiên, ngay sau khi bản cam kết này của ông Nguyễn Đức Chung được phát đi và lan truyền trên mạng xã hội thì nhiều người đặt ra nghi ngờ về tính pháp lý của lời cam kết đó.
Câu hỏi đặt ra là: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có quyền quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Đây chỉ là cam kết không truy cứu “toàn thể" chứ không miễn truy cứu trách nhiệm hình sự một vài người trong vụ việc?
Để tỏ đường dư luận, giải đáp tính pháp lý của bản cam kết đó, Báo điện tử Một Thế Giới xin chia sẻ ý kiến của Luật sư Tô Năng Như, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Trí Đức, nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Quảng Ninh, nguyên uỷ viên hội đồng luật sư toàn quốc.
Bản cam kết của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm
Luật sư Tô Năng Như đánh giá: Đó là chỉ dấu hiệu đáng mừng về ý thức xây dựng nhà nước pháp quyền, nội dung mọi người nêu chủ yếu ở cam kết: "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm".
Trong các ý kiến có nhiều ý kiến bổ ích và có những ý kiến trái chiều nhau, do đó có lẽ chúng ta nên phân tích tổng thể văn bản trên theo các khía cạnh sau:
Về mặt chủ quan của người ký cam kết: Luật sư Như phân tích, chắc chắn ông Chung vô cùng thiện chí và trong sáng khi ký cam kết trên nên sẽ không chẻ chữ: “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, như vậy thì vẫn có thể truy tố 1 số bà con Đồng Tâm... Trách nhiệm và lương tâm con người không ai dám làm như vậy, nhất là khi với cương vị là một Chủ tịch thành phố công khai cam kết trước hàng nghìn người dân cùng sự chứng kiến của cả trăm phóng viên báo đài.
Về thẩm quyền của Chủ tịch Hà Nội trong lĩnh vực tư pháp:
- Có thể khẳng định ngay Chủ tịch không có quyền về tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử... Nhất là trong những thể chế tam quyền phân lập thì điều này càng rõ, ai cũng biết.
- Tuy nhiên ở nước ta tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo. Chúng ta cần nhớ Chủ tịch thành phố bao giờ cũng là phó bí thư thành uỷ. Trong khi Viện trưởng VKS và GĐ CATP chỉ là Uỷ viên ban Thường vụ Thành uỷ, tức chức nhỏ hơn phó bí thư. Trong khi đó Thành ủy Hà Nội đã họp và giao ông Chung toàn quyền xử lý.
Luật sư Tô Năng Như nói: Từ đây ta thấy về mặt đảng ông Nguyễn Đức Chung có toàn quyền chỉ đạo công an, viện kiểm sát không điều tra truy tố các hành vi xảy ra tại Đồng Tâm. Sự linh hoạt ở thể chế chính trị của chúng ta chính là như vậy.
Luật sư Tô Năng Như
Căn cứ pháp lý nào để công an, viện kiểm sát phải áp dụng khi trả lời Công luận? Luật sư Tô Năng Như chia sẻ: Về điểm này TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội đã viện dẫn về tính Công lý trong Hiến pháp 2013, và cho rằng hành vi của nhân dân có tính tương thích. Nhận định đó rất sâu sắc và đầy tính nhân văn.
Hơn nữa các cơ quan tố tụng chỉ cần áp dụng thêm điểm a, khoản 2, Điều 29 Bộ luật hình sự: trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử do có sự chuyển biến tình hình mà tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, hoặc trong chỉ đạo của thành ủy chỉ cần nói để ổn định chính trị địa phương là đầy đủ căn cứ không truy tố bà con Đồng Tâm.
Câu hỏi nữa đặt ra là: Vậy còn rủi ro pháp lý nào với bà con nhân dân xã Đồng Tâm hay không?
Luật sư Tô Năng Như nói: Trên thực tế thì không, nhưng về lý thuyết thì vẫn còn có khả năng rủi ro đó là nếu có ai đó có thẩm quyền lớn hơn ông Chung chẻ chữ như đã nói ở trên hoặc nhiều lý do khác như: tội phạm đã hoàn thành, xử lý để làm gương tránh tạo tiền lệ... Khi đó pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác. Tuy nhiên điều đó chắc chắn không xảy ra trong bối cảnh đất nước ta đang cần ổn định để phát triển.