Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kiên Giang nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết

(15:51:16 PM 18/04/2017)
(Tin Môi Trường) - Tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, bãi bồi ven biển hơn 6.220 ha, tập trung ở hai huyện An Biên và An Minh. Để phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết.

 Kiên Giang nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết

Sò huyết dễ nuôi, ít nên ăn đầu và ăn uống nên được nhiều bà con ở ĐBSCL chọn nuôi. 

Sò huyết là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. Năm 2016, sản lượng thu hoạch sò huyết thương phẩm hơn 13.000 tấn, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho cư dân ven biển hai huyện An Biên và An Minh. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất, nhiều hộ nuôi sò huyết thu về từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ nguồn lợi sò huyết. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục Thủy sản Kiên Giang, nuôi sò huyết ở tỉnh trong thời gian qua cũng như hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập và nguồn lợi thủy sản này khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, ưu thế của nó. Hầu hết hộ dân nuôi sò huyết theo kinh nghiệm, tự phát, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn giống lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. 

Cùng với đó, chất lượng nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, các yếu tố môi trường như: độ Ph, độ mặn, oxy… thường biến động lớn vào thời điểm giao mùa gây chết sò hàng loạt trên diện rộng. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp làm cho nhiệt độ tăng cao và bất thường; nước biển dâng, mưa trái mùa với tầng suất cao… ảnh hưởng bất lợi đến sò huyết nuôi, tỷ lệ hao hụt lớn, năng suất sụt giảm. 

Thực tế nuôi sò huyết tại hai huyện An Biên và An Minh, thời điểm thả giống chưa tập trung, nhiều hộ dân chưa tuân thủ lịch thời vụ, thả giống trễ lúc mưa nhiều làm cho tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng khả năng sinh trưởng, phát triển của sò. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết thêm: “Nông dân chưa tuân thủ triệt để việc cải tạo sau mỗi vụ nuôi và thường thả giống gối vụ nên địch hại trong ao nhiều, phát triển mạnh, nhất là ốc đinh cạnh tranh môi trường sống và thức ăn với sò huyết làm sò chậm lớn, năng suất giảm. 

Kế đến, mật độ sò thả nuôi dày, từ 100 - 300 con/m², dễ phát sinh dịch bệnh, làm sò chậm phát triển, thời gian nuôi kéo dài hơn 12 tháng thay vì từ 8 - 10 tháng là thu hoạch. Phần lớn hộ dân thả sò giống kích cỡ quá nhỏ, từ 20.000 - 60.000 con/kg nhưng không qua ương dưỡng, thiết kế ao đầm, bãi nuôi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật”. 

Để nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang rà soát, quy hoạch lại vùng ven biển U Minh Thượng, nhất là khu vực rừng phòng hộ ở hai huyện An Biên và An Minh. Ngành thủy sản tỉnh này triển khai thực hiện các giải pháp, kỹ thuật nuôi sò huyết an toàn, bền vững và hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, ổn định dân sinh xã hội, khôi phục môi trường sinh thái rừng phòng hộ ven biển. 

Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, đơn vị đã có khuyến cáo nông dân thả giống sò tập trung, đúng lịch thời vụ từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, tránh thả giống trễ, gặp mưa nhiều độ mặn giảm, tỉ lệ sò sống thấp. Ương dưỡng sò giống trước khi thả nuôi để chúng thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên, không thả giống quá nhỏ và quá dầy, chỉ khoảng 50 - 100 con/m2, nhằm nâng cao tỷ lệ sống, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại, sò đủ điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt, rút ngắn thời gian nuôi; phấn đấu năng suất đạt 3 - 4 tấn/ha. 

Cùng với đó, hướng dẫn nông dân kỹ thuật thiết kế, cải tạo ao đầm, diệt trừ địch hại trước khi thả giống sò; thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như: pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ và độ kiềm để xử lý kịp thời khi môi trường biến động, tránh hiện tượng sò bị sốc. Bên cạnh đó, kiểm tra định kỳ tỷ lệ sống cũng như tăng trọng của sò, nhằm tạo điều kiện tốt nhất về thức ăn, xử lý môi trường ô nhiễm… để sò phát triển, tăng trưởng nhanh hơn, ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại. 

Các đơn vị chức năng cũng khuyến cáo nông dân thả nuôi ghép cua biển với nuôi sò huyết để thu về hai nguồn lợi kinh tế có giá trị trên cùng một đơn vị diện tích là sò huyết và cua. Đào tạo kỹ thuật viên chuyên sâu và tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi sò huyết ở bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ cho nông dân, đồng thời nâng cao ý thức, năng lực cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sò thương phẩm; chú trọng chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế của sò huyết.

TTXVN