(Tin Môi Trường) - Người dân xã Đắk Cấm (TP Kon Tum) bức xúc vì ông Phạm Thanh Hà, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum, xây biệt phủ trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương không xử lý.
Khu biệt phủ của ông Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, được xây giữa rừng cao su ở xã Đắk Cấm, cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 5 km.
Nhiều khu nhà bên trong biệt phủ của Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum. Ảnh: Vũ Di.
'Xây nhà không để ý chuyện xin phép'
Ông Hà cho biết khu đất của gia đình rộng hơn 25 ha, trong đó 2.000 m2 được cơ quan chức năng cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở nông thôn, số còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Vị này kể: "Trước đây (từ năm 1991), nơi đây không phải là khu dân cư, mình vào đây trồng cao su thì ai cũng bảo mình hâm. Ban đầu mình chỉ xây hồ câu cá, nhà cấp bốn cho người lao động ở lại làm rẫy".
"Mủ cao su lên giá, gia đình xây mỗi năm một ít thành nhiều khu nhà như hiện nay. Ban đầu xây nhà không để ý chuyện xin phép, sau này nghĩ mình làm nhà không đâu vào đâu (chưa xin phép) thì không được nên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn làm cho đúng", vị Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum nói.
Xây từ năm 1991, đến 2010... mới xin phép
Theo phản ánh của người dân xã Đắk Cấm (TP Kon Tum), ông Hà xây biệt phủ trên đất nông nghiệp sinh sống từ lâu nhưng khi người dân nơi đây xây nhà cấp bốn thì bị cơ quan chức năng đến lập biên bản cưỡng chế.
“Chúng tôi chỉ mới đổ đất, vật liệu xây nhà thì bị chính quyền xã đến lập biên bản, cấm không được phép xây dựng. Còn ông Hà xây biệt phủ đồ sộ trên diện tích hàng nghìn m2 thì không thấy cơ quan nào đến nhắc nhở, xử lý thì không công bằng", chị Nguyễn Thị Thơ (ngụ xã Đắk Cấm) bức xúc.
Biệt phủ của gia đình ông Hà nằm giữa rẫy cao su nối với tỉnh lộ 671 bằng con đường bê tông rộng 5 m, dài khoảng 500 m. Phía trước khu nhà là cánh đồng lúa, hồ sen rộng lớn. Cổng vào biệt phủ được xây hoành tráng bằng gạch, cửa sắt được chạm khắc công phu. Khu vực bên trong có nhiều công trình gồm: Nhà sàn gỗ, nhà thờ tự, hồ sen nuôi cá, nhà ở cho công nhân...
Toàn cảnh khu biệt phủ của Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum. Ảnh: M.Hoàng.
Ông Hà xác nhận biệt phủ được xây "mỗi năm mỗi ít" (từ năm 1991 đến nay) trên diện tích 2.000 m2. Đến tháng 8/2010, ông Hà (thời điểm này giữ chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum) mới làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 đất thửa đất số 71 thuộc bản đồ số 34 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.
Đến tháng 5/2011, ông Hà gộp các thửa cạnh nhau thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung tổng cộng hơn 25 ha đất, trong đó có 2.000 m2 đất ở nông thôn, số còn lại là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
Về vấn đề này, bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm, khẳng định khu vực đất ông Hà xây dựng nhà ở đến nay vẫn chưa được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn.
"Duy nhất cá nhân ông Hà chuyển đổi được mục đích sử dụng đất chứ xung quanh khu vực này chưa có người dân nào chuyển đổi được. Ông Hà đã xây nhà trên đất nông nghiệp rồi hợp thức hóa thủ tục sau", bà Lý cho hay.
Tiếp tục liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Kon Tum xác minh thì lãnh đạo cơ quan này cho rằng các hồ sơ đất đai liên quan đến khu đất (trong đó có biệt phủ) của ông Hà đã thất lạc mất, đến nay chưa tìm thấy hồ sơ gốc.