(Tin Môi Trường) - Năm 2017, thực hiện chủ trương rừng phòng hộ đến từng thôn, buôn, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai trồng rừng phòng hộ tại các huyện: Thuận Nam, Ninh Sơn và Ninh Phước với tổng diện tích trồng mới 460 ha.
Ảnh minh hoạ: IE
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ do Ban Quản lý Dự án JICA 2 tỉnh Ninh Thuận là đại diện chủ đầu tư với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam.
Các huyện: Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Phước có diện tích rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn. Đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất xám bạc màu, nghèo dinh dưỡng; mỗi năm hạn hán thiếu nước khiến các loại cây trồng lúa, bắp, đậu cho năng suất không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Ban Quản lý Dự án JICA 2 tỉnh Ninh Thuận xác định các loại cây trồng chủ lực để chuyển giao cho các hộ dân có đất sản xuất nhưng kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp với khí hậu, có giá trị kinh tế cao như: cây điều, cây trôm (mủ trôm); các loại cây ăn quả phụ trợ: mít, bơ sáp, me giúp phủ kín rừng trồng phòng hộ, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết, dự án sẽ góp phần tạo nguồn sinh kế bằng cách trồng các loại cây phù hợp với thực tế sản xuất và điều kiện canh tác của các hộ đồng bào Raglai, Chăm; thay thế cho các hoạt động khai thác tài nguyên rừng: làm than, lấy củi, canh tác nông nghiệp trong rừng phòng hộ. Đồng thời, góp phần tạo môi trường thuận lợi để người dân địa phương tham gia vào các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Tham gia dự án, người dân sẽ được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư. Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn sẽ phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ nghiên cứu, đánh giá các tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng của từng khu vực, khuyến cáo các mô hình cây trồng phù hợp, cho giá trị cao nhất để giúp người dân nâng cao thu nhập.
Dự án JICA 2 tỉnh Ninh Thuận được triển khai từ năm 2014. Đến nay, tỉnh đã trồng mới hơn 900 ha rừng phòng hộ. Với mức hỗ trợ vốn vay 48 triệu/ha (giai đoạn 2017 - 2021), tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động: trồng mới rừng, nâng cấp rừng trồng và bảo vệ rừng trong các khu rừng ưu tiên bảo vệ, phát triển sinh kế cho người dân sống ven rừng; nhằm quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ; phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi.
Bên cạnh trồng rừng, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc canh tác nương rẫy của đồng bào để chủ động phòng ngừa, hạn chế không để xảy ra tình trạng đốt, dọn nương rẫy trái pháp luật; gây cháy lan vào rừng. Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy rừng.