(Tin Môi Trường) - Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết từ hôm nay, 10-4, người dân TP sẽ biết được chất lượng môi trường không khí, nước thông qua 48 bảng điện tử trên đường phố
Phóng viên: Kế hoạch công khai chỉ số chất lượng môi trường không khí, nước đang thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Toàn Thắng: Chúng tôi sẽ thông tin đến người dân 8 chỉ số môi trường. Trong đó, lĩnh vực không khí gồm: khí NO2 (sinh ra trong quá trình ôxy hóa, theo dõi đốt cháy nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp), khí CO (sinh ra khi làm chảy nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân), bụi, ô nhiễm tiếng ồn. Về lĩnh vực nguồn nước, công khai độ pH, BOD, COD, DO (ôxy hòa tan)…
Dự án này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM quan tâm cách đây nhiều năm và đầu năm 2017, UBND TP chấp thuận chủ trương nên giờ mới khởi động. Thông tin về chỉ số môi trường được lấy từ 12 trạm quan trắc tự động hoạt động khắp các KCN, KCX, khu dân cư và rất nhiều trạm đặt trên hệ thống sông Sài Gòn. Thông tin từ các trạm sẽ được đấu nối và truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc phân tích môi trường thuộc Sở TN-MT. Tại đây, cán bộ phụ trách sẽ tổng hợp và đưa ra những con số cơ bản cho Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn, Sở Giao thông Vận tải.
Hôm nay (10-4), chúng tôi sẽ chính thức công khai chỉ số môi trường lên 48 bảng điện tử trên những tuyến đường thuộc các quận 1, 3, 5, 6, 10, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, thông tin còn đăng tải trên website của Sở TN-MT. Tần suất công bố 1 lần/tháng và sau này, khi điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm thì sẽ tăng cường số lần công bố.
Các chỉ số công khai mang tính thuật ngữ khoa học. Như vậy, người dân làm sao hiểu được?
- Tất nhiên, không thể đăng tải các ký hiệu chuyên ngành lên bảng điện tử vì rất ít người đọc hiểu được nội dung. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn lựa chọn những từ ngữ mang tính chất dễ hiểu để người dân lao động, trẻ em đọc xong sẽ nhận định được khu vực sinh sống có bị ô nhiễm hay không. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tính toán đăng số lượng bao nhiêu chữ, thời gian đăng để người dân được tiếp cận nhiều nhất.
Để biết được tình hình ô nhiễm, người dân TP HCM có thể theo dõi thông qua 48 bảng điện tử gắn trên nhiều tuyến đường
Liệu với số lượng hệ thống quan trắc như hiện nay có đủ để đánh giá chính xác tình hình ô nhiễm môi trường ở TP HCM?
- Trước khi bắt đầu vận hành, chúng tôi kiểm tra kỹ dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài nên sẽ không có sai số.
Sở TN-MT đang lên kế hoạch trình UBND TP về đề án phủ sóng các trạm quan trắc giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ lắp đặt 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Dự kiến, tổng kinh phí khoảng 495 tỉ đồng.
Việc công khai chỉ số môi trường có lợi gì cho người dân và cả cơ quan chức năng?
- Đưa thông tin lên các bảng điện tử vừa bảo đảm tính minh bạch vừa kêu gọi người dân tham gia giám sát chất lượng sống.
Dự án này sẽ góp phần giúp cơ quan chức năng biết được diễn biến môi trường nước, môi trường không khí để kịp thời xác định nguyên nhân và sớm có giải pháp khoanh vùng xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kêu gọi người dân khi biết được các chỉ số môi trường mà nhìn nhận số liệu không đúng với thực tế thì phản ánh đến Sở TN-MT để cùng nhau phối hợp xử lý.
Nhiều chỉ số vượt mức báo động
Hiện TP HCM có hơn 50 nguồn thải với lưu lượng khí trên 1.000 m3/ngày. Giai đoạn từ năm 2010-2014, nhiều lần các chỉ số khí độc hại CO, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi vượt mức báo động. Trong đó, khu vực An Sương, đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận Gò Vấp, ngã tư Hàng Xanh… là những nơi từng xảy ra ô nhiễm không khí, tiếng ồn.