Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Các tỉnh Tây Nguyên chăm sóc cà phê trong mùa khô

(17:06:10 PM 10/04/2017)
(Tin Môi Trường) - Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đang tập trung lao động, phương tiện, vật tư ra đồng tưới nước, bón phân, chăm sóc cho cà phê trong những tháng mùa khô nhằm phấn đấu đạt sản lượng từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên trong niên vụ 2017- 2018.

 Các tỉnh Tây Nguyên chăm sóc cà phê trong mùa khô

Ảnh minh hoạ: IE

 
Ngoài việc tưới nước cho cây cà phê bằng hình thức tưới dí (tưới vào từng gốc), tưới phun mưa như lâu nay, hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm bằng biện pháp tưới phun mưa nhỏ ở mỗi gốc cà phê hoặc tưới nhỏ giọt để thích nghi với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Theo Tiến sỹ Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, lắp đặt một hệ thống tưới tiết kiệm này rất đơn giản, với toàn bộ vật liệu được sản xuất trong nước có giá từ 20 đến 50 triệu đồng/hệ thống/ha. Lưu lượng nước tại mỗi vòi phun từ 60 đến 80 lít nước/giờ/gốc, với lượng nước tưới mỗi cây cà phê chỉ cần 350 đến 380 lít/ lần tưới và chu kỳ tưới là 20 ngày, giảm hơn 250 - 300 lít nước/lần tưới cho mỗi cây cà phê. Khi áp dụng kỹ thuật tưới mới này các nông hộ, doanh nghiệp không những giảm được chi phí tưới, hệ số sử dụng nước tăng từ 26 đến 30% mà còn kết hợp bón phân qua hệ thống tưới (giảm lượng phân bón từ 30 đến 40%), tăng hiệu quả kinh tế từ 13 đến 17%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái… 
 
Các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên sử dụng các loại phân bón chuyên dùng bón cho cây cà phê trong mùa khô như NPK 20-5-6+TE, NPK 16-16-8-13S, với lượng từ 200 đến 300 kg/ha/lần bón. Đây là các loại phân bón có đầy đủ các chất trung, vi lượng, giúp cho cây cà phê phục hội nhanh sau thu hoạch, thúc đẩy phân hóa mầm hoa, ra nhiều hoa, tỷ lệ đậu quả cao, giảm rụng quả, quả lớn nhanh cho năng suất, chất lượng cà phê tốt. 
 
Các nông hộ, các doanh nghiệp cũng đã tổ chức tỉa cành khô, sâu bệnh, cành còi cọc, cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất hoặc các cành thứ cấp quá dày vượt trên tán nhằm tạo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, không quá nhọn, hay quá bè để cho năng suất cao, thuận lợi trong công tác thu hoạch. 
 
Các nông hộ, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, thăm vườn nhằm sớm phát hiện các sâu bệnh hại như rệp sáp, rệp vảy, bọ xít… thường xuất hiện trong mùa khô để sử dụng các loại thuốc chuyên dùng như Fastac 5EC, Motox 2.5EC hay Butal 10Wp phòng trừ không để lây lan. Riêng đối với diện tích cà phê mới trồng, mới tái canh thuộc diện trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, ngoài việc tổ chức tưới nước theo đúng chu kỳ, các nông hộ, doanh nghiệp còn sử dụng các loại cây họ đậu, rơm rạ… che, tủ túp chống nắng nóng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao. 
 
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 576.800 ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất với trên 204.000 ha, kế đến là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông…
 
Quang Huy