(Tin Môi Trường) - Trong cuộc đời này, có những câu chuyện rất cảm động về những người mẹ vất vả, hy sinh nuôi dưỡng con cái trong cảnh sống bần cùng. Câu chuyện của tôi cũng vậy.
Tôi thậm chí còn không biết mình là con nhà nghèo cho mãi đến năm tôi học lớp Hai. Tôi có tất cả mọi thứ tôi cần; chín người anh chị cùng chơi với tôi, sách vở để học, một người giúp việc là chị Raggedy Ann luôn ở bên cạnh để chăm sóc tôi. Áo quần của tôi được mẹ chăm chút từng li từng tí và thường do tự tay mẹ may cho tôi mặc.
Ảnh minh hoạ: IE
Sáng nào mẹ cũng chải chuốt mái tóc cho tôi, rồi tết thành bím, thắt lại bằng những dải lụa nhỏ xinh xắn. Đôi giàu màu nâu mà tôi đi học mỗi ngày, lúc nào cũng được đánh xi bóng cẩn thận từ ngày hôm trước. Ở trường, tôi thật hạnh phúc khi được học tập, được khám phá những bức vẽ đầy màu sắc mới mẻ trên giấy mà thầy giáo đem cho treo để trưng bày.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc hãnh diện khi tôi tự mình leo lên cầu thang của trường vào buổi trưa. Lúc tôi đang chuẩn bị bước vào lớp, bất chợt tôi gặp hai đứa con gái lớn tuổi hơn đang đi ngược chiều cầu thang với tôi. Một đứa nói nhỏ vào tai đứa kia: "Coi kìa! Con nhỏ kia nghèo quá há!", rồi hai đứa cùng khúc khích cười. Gương mặt tôi trở nên đỏ ửng vì xấu hổ và những giọt nước mắt uất hận trực chào ra. Buổi chiều hôm đó, đối với tôi, thật buồn và khó chịu!
Trên đường về nhà, tôi cố kìm nén cái cảm xúc buồn tủi mà lời mỉa mai của hai đứa con gái lúc trưa đã gieo vào lòng tôi. Tôi tự hỏi vì sao hai đứa con gái đó lại khinh chê tôi nghèo. Tôi cẩn thận nhìn xuống chiếc váy đầm mình đang mặc, và lần đầu tiên tôi để ý thấy nó đã bị phai màu như thế nào; nếp gấp nơi đường viền cho thấy chiếc áo đầm tôi đang mặc là loại áo cũ rẻ tiền. và mặc dù đôi giày tôi đang mang thật vừa đôi chân, nhưng tôi bỗng nhận ra nó là loại giày của con trai và màu nâu trông thật xấu xí.
Lúc về đến nhà, tôi cảm thấy thật buồn. Tôi có cảm giác mình đang trở về một nơi xa lạ, rồi tôi cẩn thận nhìn lại mọi thứ xung quanh. Tôi nhìn thấy tấm vải bạt rách nát che chắn dưới bếp, còn khói bụi thì bám đầy trên khung cửa sổ cũ kỹ. Buồn nản, tôi chẳng thể đáp lại lời chào phấn khởi của mẹ, còn mẹ thì vẫn đang lui cui trong bếp chuẩn bị nấu món cháo bột và pha cho tôi ly sữa nóng. Tôi vào phòng mình, nằm suy nghĩ miên man cho đến giờ ăn tối, tự hỏi mình sẽ nói chuyện này với mẹ như thế nào? Tại sao từ trước đến nay mẹ chẳng bao giờ nói sự thật này với tôi? Tại sao từ trước đến nay, không ai cho tôi biết về sự thật này?
Không chịu nổi những câu hỏi đè nén trong lòng, tôi mạnh dạn đi xuống bếp, và có cái gì đó thôi thúc tôi khiến tôi buột miệng hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Có phải nhà mình nghèo lắm phải không mẹ?". Tôi đã mong đợi mẹ sẽ phủ nhận câu hỏi đó, hoặc ít nhất mẹ cũng thanh minh, để tôi không còn cảm thấy buồn về điều đó nữa. Nhưng mẹ trầm ngâm nhìn tôi, lặng đi trong vài phút: "Nghèo ư?" – mẹ tôi trả lời, trong khi vẫn cầm dao gọt vỏ khoai tây - "Không! Chúng ta không nghèo. Con hãy nhìn lại tất cả mà xem" – mẹ nói, như thể người đang chỉ về phía các anh chị em tôi đang chơi đùa ở phòng bên cạnh.
Qua mắt mẹ, tôi nhìn thấy củi trong bếp lò làm cho căn phòng trở nên ấm áp hơn, những tấm mành cửa tự tay mẹ làm trở nên đẹp hơn, mang lại vẻ đẹp riêng biệt cho ngôi nhà. Bên ngoài khung cửa sổ nhà bếp, tôi có thể nhìn thấy không gian rộng mở của quê hương. Nơi đã mang lại cho tôi thật nhiều niềm vui và cả những kỷ niệm thơ ấu của chị em chúng tôi. Mẹ nói tiếp: "Có thể nhiều người bảo chúng ta nghèo về tiền bạc, nhưng chúng ta lại giàu có những niềm hạnh phúc, con à!".
Và với nụ cười mãn nguyện, mẹ tôi lại tiếp tục chuẩn bị bữa ăn tối cho cả nhà. Không chỉ đem đến cho cả nhà bữa ăn no đủ, mà hơn thế nữa, mẹ còn mang đến cho tâm hồn anh chị em chúng tôi những niềm hạnh phúc đầy ăm ắp.