(Tin Môi Trường) - Bảo tồn Cây di sản Việt Nam là chủ trương đúng đắn có ý nghĩa quan trọng đối với Chiến lược bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam, góp phần khơi dậy lòng yêu thiên nhiên của cộng đồng, lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã dày công bảo vệ di sản “vàng xanh”.
Khơi dậy lòng yêu thiên nhiên
Có một thực tế đáng lo ngại là số cây cổ thụ trên cả nước đang có nguy cơ suy giảm do tác động mạnh từ con người, từ quá trình đô thị hóa và cả sự khắc nghiệt của thời gian. Cây cổ thụ có thể được coi là tài sản quốc gia nhưng thực tế, nhiều cây hiện chỉ được quản lý về mặt giấy tờ mà chưa có cơ quan quản lý chính thức nào đứng ra bảo vệ cây.
Vì vậy, tại Hội nghị “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” ngày 18/3/2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã chính thức phát động sự kiện "Bảo tồn Cây di sản Việt Nam". Sáng kiến bảo tồn Cây di sản Việt Nam của VACNE đã được sự ủng hộ, cổ vũ của Bộ TN&MT. Cho đến nay, VACNE là tổ chức tiên phong trong việc bảo vệ cây quý. Mỗi sự kiện công nhận Cây di sản Việt Nam thể hiện sự trân trọng và tri ân đối với các bậc tiền nhân, đánh dấu một mốc son về lịch sử, khơi dậy lòng tự hào cho nhân dân các dân tộc, góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử văn hóa và cảnh quan cho di tích lịch sử. Đồng thời, đây cũng là hoạt động trực tiếp bảo tồn nguồn gene và thông qua đó, góp phần quảng bá cho du lịch ở các địa phương.
Theo thống kê, sau 6 năm thực hiện, đã có 2.225 cây thuộc 80 loài đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. Bằng những nỗ lực liên tục của mình, VACNE đang cố gắng cùng với cộng đồng cả nước hướng tới sự phát triển bền vững. Việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ cây rừng, cây cổ thụ, Cây di sản Việt Nam, chính là bảo vệ dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng sự sống của mỗi một con người, cho mỗi một dòng họ, cho làng xóm quê hương, đất nước, cây cối nói chung và cây cổ thụ, Cây di sản Việt Nam nói riêng.
Dẫu đã trải qua thăng trầm của lịch sử cùng đất nước - ngày nay, nông thôn Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh, hình bóng cây cổ thụ, Cây di sản Việt Nam vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất thân thương về quê hương xứ sở. Cây di sản Việt Nam dù đứng ở đâu cũng đều là "máu", đều là "thịt" là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn của các thế hệ 54 cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Chỉ trong thời gian ngắn, sự kiện bảo tồn Cây di sản Việt Nam đã được cộng đồng và chính quyền nhiều địa phương hưởng ứng và tham gia nhiệt tình với nhiều sáng kiến bất ngờ, làm cho sự kiện bảo tồn Cây di sản Việt Nam thật sự đi vào cuộc sống. Trên hết, những việc làm có ích cho môi trường đều là những “viên gạch” đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững, lúc này là cho sự phát triển nền kinh tế xanh của đất nước. Ðây cũng chính là cách hữu hiệu để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường của Trái đất, tránh cho nhân loại một thảm họa môi trường có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Hai cây Long não gần 100 tuổi ở Đắk Lak được vinh danh Cây di sản Việt Nam
Lan tỏa trong cộng đồng
Sở dĩ sự kiện vinh danh Cây di sản của VACNE được cộng đồng hưởng ứng sôi nổi, từng bước có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, cũng như các ngành chức năng địa phương là vì ngoài mục tiêu bảo vệ đa dạng về sinh học cho nhân loại, hoạt động này rất thiết thực với nhu cầu văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhất là đối với việc chăm sóc, bảo vệ những cây cổ thụ ở các khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương, của quốc gia.
Sự kiện bảo tồn Cây di sản Việt Nam cũng là cơ hội để tăng cường sự phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường giữa cộng đồng với nhau, giữa cộng đồng với chính quyền và giữa trong nước và quốc tế như thực tế vừa qua đã cho thấy.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, việc bảo vệ gìn giữ, chăm sóc Cây di sản Việt Nam không những có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là điểm đến cho khách thập phương, là phòng thí nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu khoa học, là nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương Tổ quốc Việt Nam, là nơi để chúng ta hồi tưởng, biết quý trọng sức lao động sáng tạo của các bậc tiền bối đã dày công chăm sóc.
Bảo vệ được cây là do dân. Nhân dân thấy rõ giá trị vật chất và phi vật chất, gắn với tâm linh làng xã, gắn với anh hùng giữ nước nên họ xem cây như là thành hoàng sống, mang phúc lại cho làng. Cây di sản là nhân chứng sinh thái và nhân chứng lịch sử của một vùng đất, không những mang giá trị văn hóa, tâm linh, giáo dục ý thức của nhân dân, cộng đồng mà còn mang lại giá trị kinh tế và chủ nhân của cây đó sẽ được hưởng một phần phí du lịch khi du khách đến chiêm ngưỡng.
Điển hình như ở Cao Bằng hiện có rất nhiều địa phương, cộng đồng dân cư gìn giữ những khu rừng nguyên sinh, trong đó, có nhiều cây cổ thụ quý hiếm. Bằng các miếu thờ thần rừng, đồng bào địa phương gọi là "Đông sấn”, khu rừng thiêng được gìn giữ bảo vệ mang ý nghĩa tâm linh, nếu ai chặt hạ những cây gỗ cổ thụ trong khu rừng thiêng ấy sẽ bị " thần rừng” trừng phạt thích đáng. Nhiều rừng cây cổ thụ ở Cao Bằng đã được cộng đồng bảo vệ, giữ gìn theo hình thức đó. Đây là địa chỉ tham quan rất hấp dẫn với du khách, là bằng chứng ứng xử văn hóa với môi trường sinh thái của tổ tiên ta và trở thành nét đẹp truyền thống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
Theo Chủ tịch VACNE Nguyễn Ngọc Sinh, hiện nay, tập 1 bộ sách ảnh về Cây di sản Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là kết quả lao động miệt mài trong suốt 5 năm qua của các nhà khoa học, nhà báo, nhiếp ảnh gia và cộng tác viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Cuốn sách được biên soạn khá công phu, với hơn 200 ảnh màu phản ánh về lễ hội và các hoạt động của cộng đồng dưới bóng Cây di sản.
Bên cạnh đó, còn có trên 30 bài viết, cùng những mẩu chuyện đặc sắc, kỳ bí về những danh nhân, di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với Cây di sản Việt Nam. Ngoài ra, cuốn sách còn dành một số trang phản ánh những ý kiến của cộng đồng về sự kiện Cây di sản Việt Nam; cách chăm sóc và phòng chữa bệnh cho cây; giới thiệu mẫu đơn đăng ký, mẫu bia Cây di sản Việt Nam…
Vì thế, cuốn sách này không chỉ có giá trị về khoa học, thiết thực bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn góp phần giáo dục về lịch sử - văn hóa và khơi dây tình yêu quê hương đất nước.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến vinh danh Cây di sản Việt Nam của VACNE. Cùng với việc đánh giá cao sự nhiệt thành của Chính phủ và các tổ chức quần chúng của Việt Nam đối với việc bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển và thúc đẩy sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thiết thực bảo vệ hệ sinh thái của Trái đất..