(Tin Môi Trường) - Hoạt động trao danh hiệu Cây di sản của VACNE nhằm kêu gọi chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc anh em tiếp tục chung tay bảo vệ, chăm sóc các loài cây quý hiếm này.
Chiều 10/3, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã ký công văn số 932/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo dừng việc chứng nhận tôn vinh nghệ nhân, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, chứng nhận “Cây di sản”... vì gây dư luận tiêu cực. Tuy nhiên, các tổ chức liên quan lại cho rằng Bộ VH-TT&DL đã có nhầm lẫn khi ban hành văn bản này.
Hoạt động trao danh hiệu Cây di sản của VACNE nhằm kêu gọi chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc anh em tiếp tục chung tay bảo vệ, chăm sóc các loài cây quý hiếm này.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ cải chính thông tin trong Công văn 932/BVHTTDL. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định việc Bộ VH-TT&DL nêu tên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có vai trò tổ chức, cấp các giấy chứng nhận trong Công văn 932/BVHTTDL là không chính xác vì Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không có chủ trương này.
Hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là các Hội có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo điều lệ Hội, chịu trách nhiệm trước Hội viên và pháp luật. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng đánh giá, trong những năm qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã vinh danh gần 2.700 cây cổ thụ, việc làm này có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ các cây cổ thụ được xã hội đánh giá cao.
“Từ sự việc trên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị Bộ VH-TT&DL kịp thời cải chính thông tin trong nội dung Công văn số 932/BVHTTDL và trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tránh sự hiểu lầm của công luận đối với các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trong trường hợp có những vấn đề gì chưa rõ ràng, đề nghị Bộ VH-TT&DL trực tiếp trao đổi với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” - văn bản kết luận.
Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho rằng, các hội trao danh hiệu không nhân danh Nhà nước mà chỉ trao với danh nghĩa của các tổ chức. Ông cũng nói rằng Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam không thu bất cứ khoản tiền nào khi trao các danh hiệu, bằng chứng nhận. Còn TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - khẳng định hội là đơn vị trao các bằng chứng nhận “Cây di sản Việt Nam”, nhưng đơn vị này tuyệt đối không có chuyện thu tiền để đổi lấy danh hiệu.
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tỏ ra rất bất ngờ trước việc có tên trong văn bản của Bộ VH-TT&DL. Đại diện Hội cho biết: Danh hiệu Cây di sản là sáng kiến của VACNE, được lập ra với mục đích kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ những cây cổ thụ hoặc các loại cây quý, hiếm trong đời sống hàng ngày. Việc thẩm định giá trị và vấn các giải pháp bảo tồn chuyên môn được VACNE thực hiện một cách tự nguyện và chưa bao giờ thu phí.
Tương tự, với gần 600 Nghệ nhân Dân gian được vinh danh, Hội Văn nghệ dân gian không hề thu tiền. Ngược lại, Hội còn... tặng cho các cụ nghệ nhân từ 600 ngàn đồng - 1,2 triệu đồng trong mỗi lần vinh danh (tùy theo số tiền kêu gọi từ nguồn xã hội hóa).
Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, việc vinh danh nghệ nhân như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vẫn làm lâu nay chính là một hình thức tri ân những người gìn giữ văn hóa truyền thống, là bày tỏ sự kính trọng với các nghệ nhân.
Theo ông Thanh, nghệ nhân - người nắm giữ nội dung di sản văn hóa phi vật thể có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là “linh hồn”, là “báu vật nhân văn sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.
UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống nhằm công nhận, tôn vinh và đãi ngộ những người đang nắm giữ các kiến thức, kỹ năng và bí quyết cần thiết cho việc trình diễn, sáng tạo và trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị tiêu biểu ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
“Hội là tổ chức được Đảng và Nhà nước giao cho lưu trữ di sản, trân trọng những người giữ lửa, báu vật nhân văn sống. Vì lẽ đó mong Bộ VH-TT&DL cũng nên nói rõ hơn về những tổ chức được phép trao tặng danh hiệu, cũng như những đóng góp của Hội trong việc vinh danh nghệ nhân dân gian lâu nay”, ông Thanh đề nghị.
Đó không chỉ là mong mỏi của riêng Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Các hội, hiệp hội là các tổ chức hoạt động theo Điều lệ đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và không phải đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Nhiều hoạt động vinh danh, trao danh hiệu dành cho các thành viên của tổ chức, không nhân danh Nhà nước… Những hoạt động này có lẽ không nằm trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ VH-TT&DL để Bộ này nhọc công ra văn bản "cấm đoán".