(Tin Môi Trường) - Tỉnh Long An đang thực hiện dự án bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Ảnh minh hoạ: IE
Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Long An, làm cơ sở phân chia các vùng sinh thái, các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học. Qua đó góp phần vào việc quy hoạch bảo tồn tổng thể cả nước, khai thác bền vững đa dạng sinh học ở địa phương.
Theo đó, tỉnh tập trung bảo tồn đa dạng sinh học hơn 5.000 ha vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười (thuộc các huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen, huyện Mộc Hóa.
Để công tác bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả, tỉnh Long An thực hiện các giải pháp như: Nâng cao nhận thức theo các cấp độ quản lý bảo tồn trong tỉnh và các cán bộ quản lý trong các khu bảo tồn, cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở bảo tồn, các kỹ thuật viên, công nhân và cộng đồng sống trong và xung quanh các khu bảo tồn. Tỉnh tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phục vụ việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn và các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được quy hoạch.
Tỉnh thực hiện quy chế quản lý các khu bảo tồn cấp tỉnh, hướng dẫn công tác cứu hộ động vật hoang dã, có chính sách hỗ trợ cộng đồng sống trong và xung quanh khu bảo tồn. Chính quyền các huyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến từng xã, từng thôn và người dân để nhân dân tham gia tích cực vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học...
Theo các ngành chức năng, t ỉnh Long An có tính đa dạng sinh học cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do tác động của con người nên số loài, số lượng cá thể của các loài động vật, thực vật đặc sản, quý hiếm cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng, các giống bản địa bị mất dần do sự du nhập của các giống mới hay các động, thực vật ngoại lai.
Thực tế các giống bản địa có nhiều ưu điểm hơn hẳn các giống mới như phẩm chất tốt, khả năng chống chịu với sâu. Đây chính là nguồn nguyên liệu quý để lai tạo và cải tiến các giống.
Nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều nghiên cứu trong việc bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng tràm nguyên sinh, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn sự diệt vong của các loài đặc sản, quý hiếm, tập trung tại một số khu vực tiêu biểu như Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa.
UBND tỉnh Long An và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen. Các khu vực giàu tính đa dạng sinh học khác cũng đã được quan tâm lưu giữ và phát triển theo hướng bền vững, hoạt động theo cơ chế chung của quốc gia về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.