Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hơn 60 bệnh nhân đã được điều trị ung thư bằng “liệu pháp lạnh” tại Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Bệnh nhân H.T.N (67 tuổi, ngụ Hà Nội) nhập viện trong tình trạng xơ gan, các khối u xuất hiện tại nhiều vị trí ở cả hai thùy gan.
Trước đó, bệnh nhân N. đã được cắt dạ dày tại Bệnh viện K. Tình trạng bệnh cộng với tuổi cao không cho phép chỉ định một cuộc phẫu thuật. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật áp lạnh ở nhiệt độ âm 130OC để tiêu diệt các khối u ở vùng gan trái.
Bệnh nhân đã sống khỏe mạnh sau hơn 2 năm điều trị. Đây là một trong những ca điển hình về sử dụng kỹ thuật áp lạnh để điều trị ung thư gan.
Làm lạnh khối u
PGS-TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết kỹ thuật áp lạnh đã được bệnh viện này ứng dụng điều trị cho hầu hết các dạng ung thư như ung thư vú, gan, trực tràng, đại tràng, dạ dày, ung thư cổ tử cung... Có nhiều bệnh nhân trước đó đã chữa trị bằng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị nhưng không hiệu quả.
Một ca điều trị bệnh ung thư bằng kỹ thuật áp lạnh
Áp lạnh là kỹ thuật sử dụng chất lỏng ở nhiệt độ cực thấp hoặc những thiết bị làm đông cứng để phá hủy các tế bào ở khu vực cần điều trị.
Với phương pháp này, các bác sĩ nội soi xác định vị trí khối u, sau đó dùng đầu dò qua da, đưa chất làm lạnh vào khối u sao cho chỉ làm lạnh khối u mà không ảnh hưởng đến các bộ phận lân cận. Khối ung thư sẽ bị tiêu diệt bằng cách “đông đá” và chết.
Giảm thiểu rủi ro
PGS-TS Triệu Triều Dương còn cho biết căn cứ vào tình trạng khối u, bác sĩ sẽ có chỉ định về liều lượng, thời gian áp lạnh nhưng thông thường nhiệt độ để tế bào ung thư có thể “chết vì lạnh” thì phải ở khoảng từ âm 50OC cho đến âm 185OC và thời gian áp lạnh kéo dài từ 1 - 5 phút.
Ở điều kiện nhiệt độ và thời gian áp lạnh này, khối u sẽ hoại tử hoặc xơ hóa mà không cần phẫu thuật cắt bỏ. Ngay cả với những trường hợp cần phải phẫu thuật, hóa trị, xạ trị thì áp lạnh cũng được chỉ định để tiêu diệt khối u trước hoặc sau đó nhằm hạn chế nguy cơ các tế bào ung thư phát tán ra vùng xung quanh và phát triển thành khối u mới.
Ưu điểm của kỹ thuật áp lạnh còn ở chỗ do là phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân sẽ không bị mất máu, bề mặt vết thương cũng không để lại sẹo so với phẫu thuật mở rộng, tỉ lệ tái phát ung thư sau điều trị cũng thấp hơn việc phẫu thuật thông thường.
Quan trọng là phát hiện sớm Theo TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), kỹ thuật áp lạnh đạt hiệu quả cao nhất khi khối u nhỏ và ở giai đoạn sớm của bệnh.
Trong nhiều trường hợp, kỹ thuật này vẫn được chỉ định kể cả khi các phương pháp trước đó không thể tiêu diệt khối u.
Tuy nhiên, cùng với kỹ thuật áp lạnh, bệnh nhân cũng không nên bỏ qua các phương pháp truyền thống như hóa trị, xạ trị, phẫu trị, nội tiết, nhất là đối với những bệnh nhân bị ung thư di căn.
Bởi với những trường hợp ung thư đã di căn thì mục đích của các liệu pháp điều trị là kéo dài sự sống chứ hoàn toàn không thể trị dứt bệnh.
“Việc phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp sẽ quyết định thời gian sống thêm cho người bệnh.
Những trường hợp ung thư để muộn thì việc điều trị dù bằng phương pháp nào cũng sẽ kém hiệu quả” - PGS-TS Triệu Triều Dương lưu ý. |