Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thực tế này không chỉ là lời cảnh tỉnh đối với các đệ tử lưu linh, mà còn là lời cảnh báo đối với các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh rượu.
Nguyên nhân các vụ ngộ độc rượu hầu hết được xác định do uống rượu chứa methanol. Đây là chất có trong cồn công nghiệp.
Các cơ sở chế biến rượu pha chế cồn chứa methanol vào rượu với mục đích tăng nồng độ cồn của rượu, giảm giá thành sản xuất.
Methanol cực kỳ độc bởi khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và dẫn đến tử vong.
Dẫn chứng mới nhất cho ví dụ này là việc các bác sĩ đã xác định trong số 9 sinh viên ngộ độc rượu tại Hà Nội mới đây có 4 người bị ảnh hưởng tới thị lực, 3 người bị tổn thương não.
Việc pha chế cồn chứa methanol vào rượu không đơn thuần là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Đó là vấn đề thật sự nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới sinh mạng con người, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng mới mong sớm ngăn chặn những vụ ngộ độc đau lòng tái diễn.
Chuyện ngộ độc rượu không mới. Chuyện tràn lan cơ sở chế biến rượu không rõ nguồn gốc cũng là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Nhưng biết thì biết, khổ thì khổ, nói thì nói, còn chuyện cơ quan chức năng có vào cuộc hay không lại là chuyện khác.
Sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
Hai bộ Y tế và Công thương phải khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tiếp đó, Bộ Công thương yêu cầu các sở công thương kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Giá như các cơ quan chức năng làm kiên quyết từ trước, có lẽ đã giảm đi những cái chết do rượu độc.
Nếu các cơ quan chức năng trong thẩm quyền của mình quản lý chặt hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, thì thị trường rượu không đến nỗi tràn lan rượu độc.
Đó là một thực trạng nhức nhối. Chỉ đơn cử ở Hà Nội, kết quả kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu từ ngày 4 đến 16-3 đã xử lý 283 vụ, phạt 667,1 triệu đồng; tạm giữ, tịch thu gần 31.000 lít rượu, 621 chai rượu các loại, 2 can rượu, 15 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67kg...
Những con số đó đủ để thấy không chỉ người tiêu dùng, mà cả cơ quan chức năng cũng cần phải “tỉnh táo” hơn trước tình trạng hoành hành của rượu kém chất lượng.